Trước ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp do chủng vi rút Corona mới gây ra (nCoV), để hạn chế lây lan dịch bệnh, một số cửa khẩu xuất khẩu nông sản đã tạm thời đóng cửa ngừng thông quan nên một số mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long và trong thời gian tới là vải, xoài,.. đang và sẽ có thể gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Để chủ động hỗ trợ tiêu thụ và đẩy mạnh tiêu dùng trong nước đối với các sản phẩm nông sản nêu trên, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp nhằm kết nối giữa các doanh nghiệp phân phối lớn với các địa phương để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản trong hệ thống phân phối của các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
Trong khuôn khổ cuộc họp, Bộ Công Thương đã đề nghị các địa phương và các doanh nghiệp có sự trao đổi thông tin về nguồn cung, nhu cầu và kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để qua đó phối hợp, hỗ trợ nhau trong việc kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Trong điều kiện lo ngại về dịch bệnh, hệ thống phân phối hiện đại đang ngày càng phát triển và mở rộng của các doanh nghiệp phân phối tham dự cuộc họp đang được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn nên việc đưa các sản phẩm nông sản tiêu thụ qua kênh phân phối này sẽ có ưu thế lớn trong giai đoạn hiện nay.
Thông tin về sản lượng nông sản đã được đại diện các địa phương đưa ra tại cuộc họp để tìm giải pháp kết nối tiêu thụ |
Tham dự cuộc họp có đại diện Sở Công Thương các địa phương có vùng sản xuất các sản phẩm nông sản tập trung như Tiền Giang, Đồng Tháp, Bắc Giang, Bình Thuận, Sơn La, Thanh Hóa... đang và sẽ có thể gặp khó khăn trong tiêu thụ qua kênh xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và khi vào vụ thu hoạch rộ. Các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ tiêu thụ gồm: Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce; Tập đoàn Central Retail Việt Nam (Siêu thị BigC và Go!); Tổng Công ty thương mại Hà Nội; Liên hiệp HTX thương mại TP. Hồ Chí Minh (Sai Gon Co.op); Công ty TNHH MM Mega Market (Việt Nam); Công ty TNHH bán lẻ BRG; Công ty TNHH Aeon Việt Nam; Công ty cổ phần Bách hóa xanh.
Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp phân phối và Sở Công Thương các địa phương có nguồn nông sản đã cam kết cùng triển khai các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ một số mặt hàng nông sản của các địa phương trong thời gian tới; Sở Công Thương sẽ cung cấp thông tin thị trường, giá cả, chủng loại, chất lượng, số lượng, phẩm cấp hàng hoá để thông tin cho các doanh nghiệp; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân trong lưu thông hàng hóa trên thị trường; Hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ trong các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình tiêu thụ nông sản trên địa bàn quản lý...
Tại cuộc họp các doanh nghiệp đã công bố năng lực tiêu thụ trong hệ thống như: BigC tiêu thụ được 100 tấn dưa hấu và 70 tấn thanh long/ngày; hệ thống siêu thị Vinmart tiêu thụ được khoảng 2.000-3.000 tấn thanh long và dưa hấu/tuần; Saigon Coop có thể tiêu thụ 1.600 tấn/ngày... Các doanh nghiệp đề nghị Sở Công Thương các tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp các mặt hàng nông sản trên địa bàn cung cấp đầy đủ lượng hàng với chất lượng, giá cả như đã cam kết. Các doanh nghiệp sẵn sàng bán các mặt hàng nông sản với giá thấp, không lợi nhuận để thúc đẩy tiêu thụ.