Bộ GD-ĐT vừa có ý kiến chính thức về “Tác phẩm Chữ VN song song 4.0”. Theo đó, Bộ GD-ĐT khẳng định: “Hiện nay, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có chủ trương thay đổi chữ viết Tiếng Việt”.
Trước đó, vào ngày 25/3, “Tác phẩm Chữ VN song song 4.0” của hai tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình đã chính thức nhận được giấy chứng nhận bản quyền số 1850/2020/QTG của Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bộ chữ này chỉ sử dụng 26 chữ cái Latinh, trong đó dùng 18 chữ cái La tinh để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ quốc ngữ. “Chữ VN song song 4.0” có 3 thành phần cấu tạo bao gồm: Các chữ và vần Chữ Quốc Ngữ; Các chữ và vần Chữ Việt nhanh; Ký hiệu dấu.
Tác giả Kiều Trường Lâm đã công bố toàn bộ nghiên cứu của mình đến độc giả trên toàn quốc. Ông Kiều Trường Lâm cho biết: Bộ chữ viết này chỉ như một sự lựa chọn cho những mục đích rất cụ thể, như tốc ký hay bảo mật, hoặc có thể coi là một thứ bài tập để dạy về tín hiệu học, về ký tự công nghệ thông tin. Đồng thời, ngay từ cái tên sản phẩm “Chữ VN song song 4.0” đã nói lên một phần mục tiêu là có thể sử dụng song song với chữ viết hàng ngày, không ảnh hưởng đến chữ Quốc ngữ.
Tuy nhiên, bộ chữ cải tiến này đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Nhiều người tỏ ra phản đối gay gắt, không công nhận chữ cải tiến và cho rằng nó quá phức tạp, rắc rối.
Theo đánh giá của một số chuyên gia ngôn ngữ, Cục Bản quyền cấp bản quyền cho công trình này là bình thường trong xã hội tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Điều này để khẳng định sáng tạo ấy là của tác giả sáng tạo ra nó. Còn chuyện sáng tạo mới ấy có đưa ra thực tế cuộc sống được không thì lại là chuyện khác.