Bộ GDĐT: Không tuyển bổ sung thí sinh bị trượt oan vì sợ gây xáo trộn!

Đến nay đã có 82 thí sinh gian lận điểm thi ở Sơn La, Hòa Bình phải rời giảng đường đại học vì “ngồi nhầm chỗ”. Còn hàng chục thí sinh đã bị đánh cắp cơ hội, họ không được trả lại vị trí, đáng lẽ họ xứng đáng được nhận. Lý do được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đưa ra là “nếu tuyển bổ sung, sẽ gây xáo trộn lớn”.
Trong số 222 thí sinh được nâng điểm, hiện 82 thí sinh đã bị đuổi học, 51 thí sinh được cho học tiếp ĐH, một số thí sinh khác trước đó đã không nhập học.
Trong số 222 thí sinh được nâng điểm, hiện 82 thí sinh đã bị đuổi học, 51 thí sinh được cho học tiếp ĐH, một số thí sinh khác trước đó đã không nhập học.

Sẽ không tuyển bổ sung thí sinh bị "trượt oan"

Những ngày qua, người dân cả nước vẫn chưa hết bức xúc bởi vụ gian lận điểm với quy mô quá lớn trong một kỳ thi cấp quốc gia.  

Ở kỳ thi quan trọng này, chỉ 0,05 điểm đã thay đổi một cuộc đời, cơ hội mở ra với người này và khép lại với người khác. Tuy nhiên đến nay, 82 thí sinh gian lận bị đuổi học, còn những em bị 82 thí sinh này chiếm chỗ thì không được tuyển bổ sung. 

Việc Bộ GDĐT và các trường không tuyển bổ sung thí sinh bị “trượt oan” khiến dư luận băn khoăn, vì chưa giải quyết được hậu quả mà vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình gây ra với những thí sinh học thật, thi thật.

Trong buổi thông tin về công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019 do Bộ GDĐT tổ chức vào cuối tuần qua, PV Lao Động đã đặt ra vấn đề trên với Bộ GDĐT: Việc tuyển bổ sung có khó không, hay do Bộ và các trường chưa quyết tâm làm? 

Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) khẳng định không thể gọi bổ sung 82 thí sinh có điểm tiệm cận vào thế chỗ 82 thí sinh liên quan đến vụ gian lận điểm thi vừa bị buộc thôi học. Lý do là nếu tuyển bổ sung sẽ gây ra xáo trộn rất lớn. 

Đại diện Bộ GDĐT cho rằng ở góc độ nào đó, câu hỏi đặt ra về quyền lợi của thí sinh mất chỗ oan vì gian lận là có lý, nhưng đó là việc không thể giải quyết được đến cùng một cách hợp lý cho tất cả thí sinh liên quan.

82 thí sinh bị lấy mất cơ hội là con số nhỏ?

Nói rõ hơn về lý do không thể tuyển bổ sung những thí sinh là nạn nhân của vụ gian lận điểm thi, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, đối với việc khắc phục hậu quả của những vi phạm, người ta chỉ đặt ra việc khắc phục với những hậu quả có thể khắc phục được. Nói cách khác là phải đặt ra tính khả thi cho nó.

Bộ GDĐT: Không tuyển bổ sung thí sinh bị trượt oan vì sợ gây xáo trộn! ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học.

"Chúng ta đặt ra vấn đề này để làm gì và liệu có giải quyết được triệt để không. Bởi con số này là quá nhỏ  so với  con số những thí sinh trúng tuyển mà không nhập học. Nếu nói về tính chất của sự việc thì hai cái này tương tự như nhau. 

Hàng năm vẫn có một con số thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học. Năm 2018 là hơn 22.000 thí sinh trúng tuyển do đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng không nhập học vào các trường… 22.000 thí sinh này cũng chiếm chỗ của những người khác. 

Nếu giải quyết theo hướng cho 82 thí sinh có điểm tiệm cận vào thế chỗ 82 thí sinh ở Sơn La, Hòa Bình vừa bị trả về, thì sẽ phải làm gì để giải quyết cho 82 thí sinh tiệm cận tiếp theo ở các nguyện vọng thấp hơn.  Con số không dừng ở 82 nữa, mà là “n" thí sinh ở các nguyện vọng tiếp theo. 

Các thí sinh đều đăng ký từ 1-4 nguyện vọng, như vậy chúng ta có giải quyết được một hiệu ứng domino cho tất cả các thí sinh hay không? Giải quyết như vậy thì xáo trộn toàn bộ hệ thống" - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhấn mạnh.

Đại diện Bộ GDĐT cũng đặt ra giả thuyết, nếu giải quyết cho 82 thí sinh bị lấy mất cơ hội kia, thì đến lúc đó lại đặt ra vấn đề với 22.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học bây giờ giải quyết như thế nào?  Vì vậy, Bộ xếp việc này vào hậu quả không có khả năng khắc phục hay nói cách khác là không có khả năng khắc phục đến cùng. 

Nêu quan điểm về việc thí sinh bị mất cơ hội vào ĐH do những thí sinh gian lận điểm thi, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) nhấn mạnh: "Có những sai phạm dẫn đến hậu quả mà chúng ta không thể nào khắc phục được. Những thí sinh bị lỡ cơ hội vào ĐH là hậu quả để chúng ta thấy không có lý do gì nương nhẹ cho sai phạm và quyết tâm hơn nữa, kiên quyết hơn nữa để loại bỏ sai phạm".
Theo Lao Động
TIN LIÊN QUAN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.