Số liệu thống kê đến ngày 29/11, cả nước chỉ có 9 tỉnh tổ chức dạy học trực tiếp hoàn toàn là: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Ninh Bình, Thanh Hóa, Yên Bái và Hà Giang. Bên cạnh đó có 20 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình; 34 tỉnh, thành phố kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương linh hoạt nhiều hình thức tổ chức dạy học vừa giúp đảm bảo an toàn vừa hoàn thành chương trình mà vẫn duy trì được chất lượng.
Theo lộ trình mở cửa trường học do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, thành phố sẽ ưu tiên tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 9, 12 bắt đầu từ ngày 10/12, tùy theo mức độ dịch của từng địa bàn.
Hiện, các trường cũng đang chủ động chuẩn bị các điều kiện, xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn để sẵn sàng đón học sinh trở lại khi có quyết định chính thức của thành phố.
Trong giai đoạn dịch cao điểm, khoảng 1.500 trường học tại thành phố đã được trưng dụng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Đến nay, phần lớn các trường đã được bàn giao cơ sở vật chất, chuẩn bị cho việc đón học sinh đi học trực tiếp trở lại. Việc sửa chữa, chỉnh trang lại trường học đã được các quận, huyện gấp rút thực hiện nhằm đảm bảo cơ sở vật chất cho việc tổ chức đón học sinh trở lại trường.
Thích ứng với điều kiện mới, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tính toán đến phương án tổ chức hoạt động dạy - học theo nhóm trong mỗi lớp để đảm bảo khoảng cách an toàn cũng như thuận lợi hơn trong việc quản lý học sinh. Việc mở cửa trường học trở lại cần có kế hoạch cụ thể, trên tinh thần an toàn tới đâu mở cửa tới đó. Hai ngành y tế, giáo dục sẽ xây dựng, phát hành cẩm nang hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cho giáo viên, học sinh khi trở lại trường học tập trực tiếp.