Bộ Giáo dục và Đào tạo: 'Không thể xã hội hóa trường chuyên'

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định không thể xã hội hóa trường chuyên do người học trường này thuộc đối tượng được nhà nước đầu tư.

Chiều 30/6, tại cuộc họp báo quý II/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trả lời về đề xuất bán trường chuyên gây tranh cãi những ngày qua, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học, nêu rõ có hai đối tượng được nhà nước đầu tư, một là người yếu thế, hai là người có tài năng cần được bồi dưỡng (học sinh trường chuyên trong nhóm này). Quốc gia nào cũng hỗ trợ đối tượng này.

Ông Thành khẳng định mô hình trường chuyên là quan điểm của Đảng, Nhà nước. Kết luận 242 của Bộ Chính trị năm 2009 về phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020 và Luật Giáo dục năm 2019 đều nêu rõ trường chuyên dành cho học sinh có kết quả học tập xuất sắc, từ đó sớm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài ngay từ bậc phổ thông.

Năm 2010, Thủ tướng phê duyệt đề án 959 về phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020. Như vậy, mô hình trường chuyên đã được thể chế hóa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo: 'Không thể xã hội hóa trường chuyên' ảnh 1

Ông Nguyễn Xuân Thành nói về hệ thống trường chuyên tại họp báo quý II năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 30/6. Ảnh: Dương Tâm.

Nói về chất lượng đào tạo của trường chuyên, ông Thành nhận định trường chuyên có chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn tốt. Trường THPT chuyên trước hết phải là trường THPT, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường chuyên được đầu tư nhiều hơn danh mục tối thiểu, đội ngũ giáo viên có năng lực trội hơn các trường khác nên đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng giáo dục.

"Những năm trước đây, do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kém, học sinh Việt Nam không được thực hành nhiều nên khó đạt giải cao ở các môn Lý, Hóa, Sinh. Những năm gần đây, số lượng huy chương các môn này tăng và Việt Nam không thua kém gì bạn bè quốc tế", ông Thành nói và cho rằng đây là ví dụ mà ai cũng nhìn thấy khi đầu tư cho trường chuyên.

Tuy nhiên, số lượng học sinh thi quốc tế mỗi năm ở mỗi môn rất ít, chỉ 5-7 em, số lượng học sinh được thi chọn học sinh giỏi quốc gia cũng không nhiều. Đại đa số học sinh trường chuyên vẫn đang học chương trình bình thường, các em lớp chuyên có thêm phần chuyên sâu ở môn thế mạnh. "Dù vậy, hệ thống trường chuyên đang có cần tận dụng để nhiều em được thụ hưởng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất", ông Thành nói.

Vụ trưởng Giáo dục trung học cũng cho rằng các trường THPT chuyên hiện không chỉ có chất lượng giáo dục tốt mà còn rất tích cực trong các hoạt động thông qua việc thành lập câu lạc bộ từ âm nhạc, mỹ thuật đến thể dục thể thao. Học sinh trường chuyên cũng có kỹ năng mềm tốt hơn. Tất nhiên, không phải học sinh nào ở trường chuyên hay bất cứ trường nào khác cũng toàn diện. Ông Thành ví dụ có một vài em đoạt giải quốc tế vì năng khiếu của các em là nghiên cứu khoa học về lĩnh vực đó và hoạt động bề nổi không bằng những bạn khác.

Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai tổng kết đề án 959. Hiện, Bộ đã yêu cầu các tỉnh báo cáo về trường chuyên để đánh giá căn bản sự phát triển của mô hình này trong những giai đoạn, bối cảnh xã hội khác nhau để xác định rõ những gì đạt được, chỉ rõ bất cập, từ đó xác định hướng đi căn bản của trường chuyên trong giai đoạn tiếp theo.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam xây dựng nhóm nghiên cứu khảo sát nhằm có cơ sở khoa học và thực tiễn để nói về hệ thống trường chuyên trong 10 năm qua", ông Thành thông tin.

Xoay quanh những ý kiến về trường THCS chuyên, ông Thành cho hay quy định hiện này không có hệ THCS chuyên mà chỉ có trường THPT chuyên. Một số trường chuyên như Trần Đại Nghĩa ở TP HCM hay Hà Nội - Amsterdam vẫn có hệ THCS vì theo điều lệ vẫn có mô hình trường phổ thông có nhiều cấp học và cấp THCS không phải là chuyên.

Năm học 2018-2019, cả nước có 76 trường chuyên, trong đó 71 trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, 5 trường thuộc cơ sở giáo dục đại học, ngoài ra còn có các khối chuyên thuộc các trường. Hàng năm, học sinh trường chuyên đem về nhiều thành tích ở các cuộc thi Olympic quốc tế, Khoa học kỹ thuật quốc tế.

Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống trường chuyên còn một số hạn chế như việc xây dựng trường chuyên trọng điểm có cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, có chất lượng giáo dục ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực, quốc tế chưa được triển khai mạnh và chưa đạt được những kết quả rõ rệt. Bên cạnh đó, việc thí điểm dạy Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh hay huy động nguồn lực từ hợp tác quốc tế chưa mạnh.

Theo Đề án 959 về phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020, các trường chuyên được đầu tư 2.310 tỷ đồng vào ba hoạt động gồm tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; phát triển chương trình, tài liệu và đánh giá hiệu quả giáo dục.

Theo Vnexpress
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.