Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công.
Lũy kế đến ngày 15/12/2023, đã phát hành được 292,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, bằng 73,2% kế hoạch đầu năm, kỳ hạn phát hành bình quân 12,5 năm, lãi suất bình quân 3,22%/năm.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa công tác phát hành trái phiếu chính phủ với việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, định kỳ trao đổi thông tin về kế hoạch, thời điểm, kỳ hạn và lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ chủ yếu là 10-15 năm, giúp kỳ hạn phát hành bình quân đạt 12,33 năm, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là từ 9-11 năm tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021.
Kỳ hạn còn lại bình quân danh mục là 9,19 năm, lãi suất phát hành bình quân 3,44%/năm. Với tình hình thị trường trái phiếu chính phủ năm 2023 có nhiều yếu tố thuận lợi cho công tác huy động vốn, mặt bằng lãi suất giảm và nhu cầu mua trái phiếu chính phủ cơ bản cao so với cuối năm 2022.
Chính phủ thực hiện ký kết 6 hiệp định vay nước ngoài với Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Hàn Quốc và Nhật Bản với tổng trị giá ký kết khoảng 531,79 triệu USD.
Theo thống kê chưa đầy đủ, lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, rút vốn vay nước ngoài cấp phát khoảng 19.005 tỷ đồng (tương đương 805,5 triệu USD) (đạt gần 20,8% kế hoạch).
Các khoản vay nước ngoài của Chính phủ chủ yếu vẫn là các khoản ODA, vay ưu đãi nước ngoài với kỳ hạn dài 15-40 năm, ân hạn 5-10 năm, lãi suất thấp.