Bộ trưởng đã đi thực tế tại nhà dân ở phường Hiệp Thành, quận 12. Đây là phường có số ca bệnh SXH cao nhất tại quận 12, với 197 trường hợp mắc bệnh và một trường hợp tử vong từ đầu năm đến nay.
Theo Sở Y tế TP.HCM, từ đầu năm đến nay, TP.HCM có gần 11.200 ca SXH; tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có 4 ca tử vong.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết: Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thực hiện hướng dẫn chuyên môn, chẩn đoán bệnh từ xa để hạn chế chuyển bệnh lên tuyến trên; đồng thời nâng cao năng lực y tế tuyến dưới trong điều trị SXH. Vào tháng 8, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố sẽ đưa vào điều trị nội trú. Như vậy sẽ giúp giảm tải cho Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 trong điều trị SXH hiện nay.
Hiện tại, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi đồng 1 có hơn 100 bệnh nhi nằm viện điều trị SXH, Bệnh viện Nhi đồng 2 có hơn 60 bệnh nhi nằm viện điều trị bệnh này.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng đã xử phạt những trường hợp cố tình không thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Trong 6 tháng đầu năm, 10 quận, huyện của thành phố đã xử phạt 75 trường hợp để phát sinh ổ lăng quăng, muỗi gây bệnh.
Bộ trưởng Tiến đánh giá cùng với SXH thì các bệnh tay chân miệng, viêm gan, viêm não Nhật Bản... cũng đang lưu hành nhiều tại TP.HCM. TP.HCM là một trong những địa phương có nhiều ca mắc SXH nhất cả nước. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu TP.HCM phải tập trung công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là truyền thông để người dân có nhận thức đúng về phòng chống dịch bệnh và tự phòng bệnh cho cá nhân, gia đình.
“Nhiệm vụ quan trọng là phòng bệnh trước. Muốn vậy, phải diệt lăng quăng và muỗi. Cái gốc là diệt lăng quăng mới có thể khống chế dịch bệnh, giảm số ca mắc và khi có dịch bệnh phải phun thuốc diệt muỗi cho đúng cách”, bà Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo.
Đối với công tác điều trị, Bộ trưởng cho biết hiện nay tỷ lệ bệnh nhân bị SXH là người lớn tuổi cũng đã tăng nên công tác tập huấn điều trị bệnh cho y tế tuyến dưới cũng phải tập trung vào cả đối tượng lớn tuổi bên cạnh điều trị cho bệnh nhi. Đồng thời, bệnh viện các tuyến phải lọc bệnh tốt để phân tuyến điều trị, dứt khoát không để bệnh nhân SXH phải nằm ghép, nằm ngoài hành lang.
Theo Thanh Niên