MGM, hãng phim đứng sau "No Time to Die", được cho là đã lỗ từ 30 đến 50 triệu USD do phải lùi thời hạn phát hành phim.
Các hãng phim khác, chẳng hạn như Paramount và Sony, đã thu về hàng chục triệu đô la bằng cách bán quyền phát hành các bộ phim như “Greyhound”, “Coming 2 America” và “Without Remorse” cho các dịch vụ phát trực tuyến do các cụm rạp Bắc Mỹ chưa thể vận hành trở lại.
“Chúng tôi không bình luận về tin đồn. Bộ phim không phải để bán", người phát ngôn của MGM khẳng định hồi tháng 4.
Tuy nhiên, nhiều người trong cuộc tại các hãng phim và công ty đối thủ nói rằng MGM có thể sẽ phải cân nhắc tới việc bán lại "No Time to Die" cho các đối tác phát trực tuyến. Hãng phim được cho là đang tìm kiếm một thỏa thuận trị giá khoảng 600 triệu USD - mức giá được cho là quá cao đối với cả Netflix và Apple.
Không rõ liệu các nhà sản xuất Barbara Broccoli và Michael G. Wilson, những người kiểm soát loạt phim thông qua công ty Eon của họ, có ký kết hợp đồng hay không.
Universal Pictures, công ty có quyền phân phối “No Time to Die” ở nước ngoài, cũng sẽ tham gia vào quá trình đàm phán và được hoàn trả các khoản phí đã mất nếu thương vụ được ký kết.
Việc đưa “No Time to Die” lên thẳng màn ảnh nhỏ có thể đặt ra một số thách thức cho các nhà tài trợ. Bộ phim tốn 250 triệu USD để sản xuất và đã ký hợp đồng với nhiều nhãn hàng nổi tiếng bao gồm xe Land Rover, đồng hồ Omega và bia Heineken.
Những công ty đó đã mong đợi bộ phim sẽ ra rạp như dự kiện và có thể không hào hứng với việc chỉ phát trực tuyến. Chẳng hạn, thương vụ Paramount bán “Coming 2 America’s” cho Amazon cũng phải nhận được sự đồng thuận của hai nhãn hàng tài trợ là McDonald’s và Crown Royal.