Trao đổi với báo chí về việc áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất nhà ở xã hội cho khoảng 5.000 khách hàng, Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Hoàng Quân (mã chứng khoán: HQC), Trương Anh Tuấn chia sẻ khoản tiền bù chênh lệch lãi suất 3-4% ước tính tiêu tốn mất 60-80 tỷ đồng một năm. Cụ thể, với các khoản lãi vay mua nhà ở xã hội bị áp lãi suất thả nổi trên dưới 10% một năm, khách hàng chỉ trả mức lãi suất 6%, 3-4% còn lại doanh nghiệp sẽ gánh thay cho người mua.
Ông Tuấn giải thích, doanh nghiệp dự kiến trình Bộ Tài chính xem xét cho phép đưa khoản tiền bù chênh lệch lãi suất cho khách hàng vào chi phí vốn của các dự án nhà ở xã hội. "Nếu không được chấp thuận, chúng tôi chấp nhận giảm lợi nhuận từ ngưỡng quy định 10% xuống còn 6% và đảm bảo không tăng giá thành sản phẩm", ông Tuấn nói.
Ngày 6/6/2016, Thủ tướng đã ký Quyết định số 1013 quy định lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội là 4,8% một năm, áp dụng đến hết ngày 31/12/2016 tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Song, vì chính sách này vẫn chưa thực hiện được, do đang chờ thu xếp dòng vốn nên trong thời gian qua, người mua nhà ở xã hội tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, ưu đãi lãi suất 5% một năm.
Tuy nhiên, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng về cơ bản đã kết thúc giải ngân hợp đồng mới, trong lúc chính sách tín dụng nhà ở xã hội chưa triển khai được, người mua nhà ở xã hội phải chấp nhận trả góp với lãi suất thả nổi.
Với 20 dự án tổng quy mô 20.000 căn thuộc diện nhà ở xã hội (tính đến năm 2018), Hoàng Quân phải chọn giải pháp bù lãi suất hỗ trợ người mua nhà trong khi chờ đợi gói tín dụng ưu đãi cho đối tượng này được giải ngân trong tương lai.
Hoàng Quân đứng trước nguy cơ mất 4% lợi nhuận trên tổng số 10% (theo quy định kinh doanh nhà ở xã hội) nếu không được Bộ Tài chính cho phép tính khoản chi phí bù lãi suất vào chi phí vốn của các dự án. Ảnh: Vũ Lê
Thời gian doanh nghiệp gồng gánh khoản lãi suất chênh lệch này được ông Tuấn dự báo là trong vòng 12 tháng, và kỳ vọng đến năm 2017 Chính phủ sẽ thu xếp xong nguồn vốn phục vụ nhà ở xã hội. Trong trường hợp năm 2017 các bộ ngành vẫn chưa thu xếp xong vốn cho nhà ở xã hội thì doanh nghiệp dự trù chuẩn bị tiếp nguồn vốn 60-80 tỷ đồng nữa để hỗ trợ khách hàng vay. "Chúng tôi có thể tính đến phương án phát hành trái phiếu", ông nói.
Việc thiếu dòng vốn vay ổn định với lãi suất ưu đãi cho nhà ở xã hội đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh doanh của Hoàng Quân trong năm 2016. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp chỉ đạt 67 tỷ đồng, cách xa mục tiêu lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đã đề ra tại đại hội cổ đông thường niên.
Nguyên nhân lợi nhuận thấp so với kế hoạch đề ra được ông Tuấn giải thích là do gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, khách hàng chỉ nộp 20% tiền mua nhà, số tiền 75% còn lại giải ngân theo tiến độ (phụ thuộc gói 30.000 tỷ đồng) đang bị chững lại khiến doanh nghiệp cũng bị hụt dòng tiền. Một số dự án giãn tiến độ chờ gói 30.000 tỷ đồng cũng lùi ngày bàn giao ảnh hưởng đến ghi nhận doanh thu, lợi nhuận.
Dù đứng trước áp lực, ông Tuấn vẫn khẳng định nhà ở xã hội là phân khúc phù hợp với năng lực của doanh nghiệp. Công ty vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào loại hình bất động sản này. Thừa nhận lợi nhuận năm 2016 có thể chỉ đạt 100 tỷ đồng, tương đương 20% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, ông Tuấn cho hay, sang năm 2017 khi các dự án được bàn giao, doanh nghiệp sẽ có doanh thu và lợi nhuận khả quan chuyển từ cuối năm 2016 sang.
Ông Tuấn đặt niềm tin vào chính sách nhà ở xã hội sẽ được Chính phủ thực hiện xuyên suốt và việc thu xếp dòng vốn chỉ bị chậm đôi chút. Ông cho biết thêm, hiện nay công ty chỉ vay 520 tỷ đồng cho dự án HQC Plaza, các dự án còn lại xây dựng bằng vốn tự có. Việc nguồn vốn thu xếp cho vay ưu đãi dành cho người mua nhà ở xã hội bị chậm đang khiến một số dự án của Hoàng Quân giãn tiến độ tối đa 4 tháng. Dự án nhà xã hội tại Hóc Môn chậm giao 6 tháng, đến 31/12 không kịp bàn giao nhà, công ty sẽ phải chịu phạt.
"Chúng tôi đang bị rủi ro khi thực hiện dự án nhà ở xã hội do dòng vốn giải ngân chậm tuy nhiên công ty có dự trù phương án hỗ trợ. Thị trường bất động sản có nhiều rủi ro, mỗi phân khúc có những rủi ro khác nhau nhưng nhà ở xã hội vẫn ít rủi ro nhất", ông Tuấn khẳng định.
HQC Group có hơn 20 công ty hoạt động trong ngành bất động sản và 5 công ty xây dựng trong hệ thống. Tài sản đã định giá ước tính 10.000 tỷ đồng. Tổng số nợ ngân hàng là 2.000 tỷ đồng.
Theo Vnexpress