Nhìn qua những menu món ăn nhanh buổi trưa tại Nhật, có thể thấy giá cả ngày càng rẻ hơn. Điều này đang khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản lo lắng vì các chính sách kích cầu tiêu dùng tạo lạm phát dường như đang không phát huy hiệu quả.
Các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh tại Nhật Bản như McDonald’s, Burger King và Yoshinoya đã giới thiệu menu mới với giá rẻ hơn từ sáu tháng nay cùng với các khuyến mãi buổi trưa.
McDonald’s đã giới thiệu một combo buổi trưa mới vào đầu tháng 9 này bao gồm một phần burger và một phần nước nhỏ với giá 400 yen (tương đương 3,90 USD). Trước đó, McDonald’s đã tung ra món burger tiết kiệm với giá chỉ 200 yen vào tháng 10 năm ngoái.
“Những khẩu phần mới này đang được khách hàng ưa thích. Chúng tôi cho ra những món ăn mới rẻ hơn nhằm tiết kiệm chi phí cho khách hàng và tạo sự thuận tiện cho họ”, phát ngôn viên của McDonald’s, bà Kokoro Toyama cho biết.
Thật khó để dự đoán liệu khi nào giá cả hàng hóa sẽ giảm nữa, nhưng tâm lý giảm phát đang lan rộng trong người tiêu dùng đã đánh động Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. “Thống đốc Haruhiko Kuroda sẽ gặp các thành viên trong hội đồng Ngân hàng Trung ương trong tuần tới để ra các chính sách tiền tệ phù hợp”, Hiroshi Miyazaki, chuyên viên phân tích cấp cao của Công ty Chứng khoán Mitsubushi UFJ Morgan Stanley cho biết.
Giá xăng dầu và các nguồn năng lượng khác đang giảm mạnh, điều này làm cho ngành kinh doanh nhà hàng có điều kiện để giảm giá thành sản phẩm. Miyazaki dự báo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ phải có những động thái ngay trong tháng 9 để ngăn ngừa xu hướng giảm phát.
Giá hàng tiêu dùng, trừ các mặt hàng tươi sống, đã giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm phát nhiều nhất kể từ khi Thống đốc Kuroda nhậm chức vào năm 2013. Kế hoạch của ông Kuroda là tăng mức lạm phát lên 2% vào tháng 3/2018 nhưng kế hoạch này bị coi là khó thành hiện thực mặc cho các chính sách nới lỏng định lượng đã thực hiện trước đó.
“Tôi nghĩ việc các nhà hàng giới thiệu menu ăn trưa giá 400 yen là khôn ngoan”, Kazuomi Nishiki, 42 tuổi, một nhân viên tại công ty bất động sản cho biết. “Giá cổ phiếu có thể tăng lên gấp đôi nhưng thu nhập đầu người thì vẫn dậm chân tại chỗ. Do đó, người ta bắt đầu tìm kiếm những lựa chọn tiết kiệm hơn cho bản thân”.
Ngoài các chuỗi nhà hàng nước ngoài, các nhà hàng của Nhật cũng có chính sách giảm giá tương tự. Chuỗi nhà hàng Yoshinoya vào tháng 4 đã bán lại món mì thịt heo, có giá rẻ hơn 50 yen so với mì thịt bò truyền thống. Chuỗi nhà hàng sushi Kappa Create từ tháng 3 đã có một chiến dịch giảm giá từ 108 xuống còn 97 yen cho các món sushi ở đây.
Lúc trước, Yoshinoya tung ra món mì thịt heo trong bối cảnh bệnh bò điên hoành hành khắp thế giới đầu những năm 2000. Bây giờ, nhà hàng bán lại món này vì nhu cầu lớn của khách hàng.
Xu hướng giảm giá còn lan sang ngành thời trang. Hãng thời trang giá rẻ Uniqlo thuộc Công ty Fast Retailing cũng đã cam kết sẽ “giảm giá sâu nhất có thể” trước tình trạng ế ẩm khi bán với giá hiện tại.
McDonald’s tại Nhật từng tung ra menu hàng loạt những chiến dịch giảm giá vào giữa những năm 1990 và những chuỗi nhà hàng khác cũng nhanh chóng làm theo. Lý do là Nhật Bản thời kỳ đó cũng lâm vào tình trạng giảm phát sau khi bong bóng kinh tế đổ vỡ và thật ra đến nay Nhật Bản vẫn chưa hoàn toàn hồi phục từ cú vấp đó.
“Áp lực giảm phát trong ngành hàng ăn uống sẽ vẫn đeo bám trong tương lại gần”, Mitsushige Akino, đại diện Công ty Ichiyoshi Asset Management cho biết. Hàng loạt nhà hàng sẽ đi vào giai đoạn cạnh tranh về giá khốc liệt.
“Vào những năm 1990, McDonald’s giảm giá vì đó là một bước đi chiến lược”, Akini nói. “Lần này là cho sự tồn tại của họ. Những chuỗi nhà hàng như thế này không thể tồn tại nếu họ không đi theo xu hướng giảm phát hiện nay”.