Từ một nhân vật không mấy tên tuổi trong nội bộ đảng Cộng hòa ở bang Bắc Carolina, ông DeJoy trở thành một trong những cố vấn không chính thức của Tổng thống Donald Trump, với vai trò chính là gây quỹ tranh cử.
Mặc dù tôi có quan hệ rất tốt với Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, cáo buộc cho rằng tôi đã ra các quyết định về Bưu chính Hoa Kỳ theo chỉ đạo của Tổng thống, hoặc bất cứ ai khác trong chính quyền, là hoàn toàn vô lý”.
Ông đồng thời cũng là một người đã hào phóng đóng góp hàng triệu USD cho các quỹ tranh cử của Đảng Cộng hòa và đương kim tổng thống Hoa Kỳ. DeJoy trở thành lựa chọn hàng đầu của Tổng thống Trump khi Ban quản trị Bưu chính Hoa Kỳ tìm kiếm một tổng giám đốc mới. Không giống như những tổng giám đốc tiền nhiệm, nhà tài phiệt trong ngành logistics này là một gương mặt mới mẻ trong chính phủ và sự liên hệ với ngành bưu chính của ông chủ yếu gói gọn trong lĩnh vực thương mại.
Công ty logistics có tên New Breed do DeJoy làm chủ từng được giao thầu cung ứng cho Bưu chính Hoa Kỳ trong suốt 25 năm. Một trong những nhà thầu khác của Bưu chính Hoa Kỳ, công ty XPO Logistics, đã mua lại New Breed vào năm 2014 và chỉ định DeJoy làm thành viên hội đồng quản trị. Giới quan sát bày tỏ sự quan ngại về nguy cơ xung đột lợi ích khi DeJoy vừa nắm giữ vai trò Tổng giám đốc Bưu chính Hoa Kỳ, lại vừa nắm giữ hàng triệu USD cổ phần trong nhà thầu này.
Thùng thư tại Burbank, bang California cũng bị khóa. |
Nhưng điều tiếng không tác động đến DeJoy trong việc thực hiện vai trò mới của mình. Chỉ hơn hai tháng nắm giữ vai trò người cầm lái hệ thống thư tín Mỹ, Louis DeJoy đã mang đến những thay đổi chóng mặt cho dịch vụ công lâu đời nhất đất nước này. Những thay đổi diễn ra ngay trước thời điểm bầu cử tống thống 2020, một cuộc bầu cử được cho là sẽ đi vào lịch sử của Bưu chính Hoa Kỳ do lượng phiếu bầu qua thư được dự báo sẽ tăng đột biến do đại dịch COVID-19.
Với lý do tiết giảm chi phí hoạt động, Tổng giám đốc DeJoy đã loại bỏ hàng loạt máy phân loại thư tự động tốc độ cao ra khỏi hệ thống bưu chính. Bên cạnh đó, ông xóa bỏ chính sách tự động ưu tiên chuyển phát phiếu bầu qua thư. Bưu chính Hoa Kỳ cũng giảm số giờ làm việc của bưu cục tại nhiều tiểu bang, bỏ chính sách trả lương ngoài giờ cho nhân viên bưu chính và dỡ bỏ thùng thư tại nhiều địa điểm.
Hậu quả là trong nhiều tuần qua hoạt động bưu chính thường xuyên rơi vào tình trạng chậm trễ, ách tắc. Thư tín mất nhiều ngày để tới tay người nhận. Nhiều cựu quân nhân, đối tượng được cấp phát thuốc men qua đường bưu điện, đã không có thuốc sử dụng trong nhiều ngày do bưu phẩm không đến đúng hạn.
Thùng thư bị khóa kín ở Seattle, bang Washington. Ảnh chụp ngày 15/8. |
Trước thực trạng này, Tổng thanh tra Bưu chính Hoa Kỳ đang tiến hành thẩm tra toàn bộ những thay đổi chính sách này. Các nghị sĩ đảng Dân chủ trong Quốc hội yêu cầu ông DeJoy phải rút lại những thay đổi và đảm bảo rằng cơ quan bưu chính đủ khả năng xử lý khối lượng phiếu bầu qua thư được dự kiến là ở mức rất cao do biện pháp giãn cách xã hội chống dịch COVID-19. Cựu tổng thống Barack Obama thẳng thừng hơn khi gọi những thay đổi này là hành động “bó gối” được đưa ra bởi một tổng giám đốc vốn có ác cảm với phương thức bỏ phiếu qua thư nhưng lại nắm trong tay quyền lực đối với hệ thống bưu điện.
Gánh trên vai trọng trách chuyển phát hàng triệu lá phiếu của cử tri Mỹ, Bưu chính Hoa Kỳ đang đối mặt với sự sụt giảm niềm tin từ tất cả các phía. Mỗi tờ hóa đơn quá hạn thanh toán và mỗi tấm thiệp sinh nhật đến muộn đều gieo vào lòng cử tri nỗi nghi ngờ: liệu bưu điện có đủ năng lực đảm trách trong cuộc bầu cử sắp tới?
Dù thừa nhận rằng sự ùn tắc luồng thư tín là hậu quả trực tiếp của những thay đổi chính sách mà mình đưa ra, Tổng giám đốc DeJoy vẫn tỏ ra lạc quan về quyết định của mình. Trong một thông báo gửi cho người lao động trong ngành bưu chính trên toàn quốc, ông DeJoy nói những thay đổi này đã dẫn đến “những hậu quả không mong muốn”, nhưng hứa hẹn rằng chúng sẽ chuyển hóa Bưu chính Hoa Kỳ thành một tổ chức vững vàng về tài chính - một mục tiêu lâu dài mà cơ quan này đang hướng tới. Các chuyên gia bầu cử có thể lo ngại về vai trò của bưu điện trong cuộc bầu cử sắp tới, nhưng ông DeJoy khẳng định rằng cũng giống như Tổng thống Donald Trump, ông quan tâm đến kết quả cuối cùng hơn là những khó khăn trong quá trình thực hiện.
Điều giới quan sát đang tìm kiếm là động cơ thực sự ông DeJoy trong việc “tái cấu trúc” bưu điện Hoa Kỳ. Đứng từ góc nhìn kinh tế, việc chỉ định một doanh nhân kỳ cựu để lèo lái Bưu chính Hoa Kỳ cũng không hẳn là không có lý. Từ nhiều năm nay, cơ quan này đã trong tình trạng thua lỗ liên tục, một phần do sự chuyển đổi thói quen thư tín của các tổ chức và cá nhân trong thời đại số hóa.
Một nguyên nhân chính khiến tổ chức này chìm trong thâm hụt là do đạo luật Trách nhiệm Bưu chính 2006 (PAEA) yêu cầu Bưu chính Hoa Kỳ phải trả trước phúc lợi hưu trí của 75 năm chỉ trong vòng 10 năm, với mục đích góp phần làm giảm nợ công của nước Mỹ. Trong bối cảnh này, việc có một nhà lãnh đạo với đầu óc kinh doanh sắc bén chắc chắn sẽ góp phần trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng thua lỗ của tổ cơ quan này.
Tuy nhiên, Bưu chính Hoa Kỳ không phải một doanh nghiệp thông thường mà là một cơ quan độc lập thuộc nhánh hành pháp của chính phủ liên bang, có nghĩa vụ phục vụ mọi người dân Hoa Kỳ sống tại mọi khu vực với mức giá và chất lượng dịch vụ ngang bằng nhau. Cuộc bầu cử sắp tới diễn ra giữa đại dịch COVID-19 cũng cho thấy vai trò không nhỏ của tổ chức này trong đời sống chính trị của đất nước. Bởi vậy, Bưu chính Hoa Kỳ cũng không thể được điều hành với tư duy kinh tế đơn thuần.
Nghi vấn lớn nhất trong chính giới hiện nay là liệu chiến lược “tái cấu trúc” Bưu chính Hoa Kỳ của ông DeJoy có nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích của đương kim Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử cuối năm nay hay không? Theo khảo sát mới đây của tờ Bưu điện Washington và kênh tin tức ABC, có tới 51% cử tri ủng hộ đảng Dân chủ muốn bỏ phiếu qua thư so với con số 46% ở cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa. Điều đó có nghĩa là những lá phiếu bỏ qua bưu điện sẽ nghiêng hơn về phía ứng cử viên của đảng Dân chủ.
Người biểu tình phản đối ông Trump gây ảnh hưởng lên Bưu chính Hoa Kỳ tại Washington DC. |
Bởi vậy, khó mà không đặt ra nghi vấn khi Tổng thống Trump nhiệt tình ủng hộ chiến lược cắt giảm chi phí của tân Tổng giám đốc Bưu chính Hoa Kỳ. Tại một sự kiện vừa diễn ra cuối tuần trước, ông Trump khẳng định sự ủng hộ của mình với chiến lược này. “DeJoy là một người tuyệt vời”, Tổng thống Hoa Kỳ nhận xét. “Ông ấy muốn làm cho Bưu chính Hoa Kỳ vĩ đại trở lại”.
Ông Trump thậm chí không giấu diếm động cơ “gây khó dễ” cho Bưu chính Hoa Kỳ của mình. Trong cuộc phỏng vấn gần đây với kênh truyền hình Fox News, ông cho biết nếu Bưu chính Hoa Kỳ không nhận được 25 tỷ USD từ nguồn quỹ kích thích kinh tế COVID-19 như đảng Dân chủ yêu cầu, cơ quan này sẽ không thể đảm đương được lượng phiếu bầu qua thư trong cuộc bầu cử tới.
“Họ cần số tiền đó để Bưu chính Hoa Kỳ có thể hoạt động, để kiếm được hàng triệu phiếu bầu này”, ông Donald Trump nói. “Nếu họ không nhận được tiền, nghĩa là không thể bỏ phiếu qua thư trên quy mô toàn dân, vì hạ tầng bưu chính không đáp ứng”.
Nếu họ không nhận được tiền, nghĩa là không thể bỏ phiếu qua thư trên quy mô toàn dân, vì hạ tầng bưu chính không đáp ứng”.
Trước nguy cơ những thay đổi chính sách tại cơ quan Bưu chính Hoa Kỳ gây ảnh hưởng tiêu cực tới tiến trình bầu cử, một số tiểu bang đã đưa ra những biện pháp hạn chế những ảnh hưởng này.
Cơ quan bầu cử bang Pennsylvania cho biết sẵn sàng kéo dài thời hạn nhận phiếu thêm 3 ngày với điều kiện các lá phiếu có đóng dấu bưu điện trong ngày bỏ phiếu. Một số bang khác đang cân nhắc lại quy trình để việc bỏ phiếu qua thư diễn ra thuận lợi nhất, ví dụ như bang Ohio thay đổi thiết kế phiếu bầu qua thư để chúng trở nên nổi bật nhất, dễ phân loại nhất.
Tuy nhiên, không phải tất cả các bang chỉ dừng lại ở những biện pháp có tính đối phó như vậy. Tuần trước, Tổng thư ký bang Arizona Katie Hobbs đã viết thư kiến nghị lên Tổng chưởng lý bang yêu cầu tiến hành cuộc điều tra về những thay đổi trong hệ thống Bưu chính Hoa Kỳ và nhấn mạnh rằng “việc trì hoãn chuyển phát phiếu bầu qua thư” là hành động vi phạm pháp luật.
Các nghị sĩ đảng Dân chủ cũng đang bày tỏ một thái độ không khoan nhượng trước động thái mà họ cho là “đàn áp bầu cử” của ông DeJoy. Đảng Dân chủ trong Nghị viện bày tỏ sự phản đối với kế hoạch cắt giảm chi phí của Bưu chính Hoa Kỳ trong một loạt cuộc tranh luận nảy lửa với Tổng giám đốc DeJoy hồi đầu tháng. Các nghị sĩ yêu cầu phục hồi ngân sách của cơ quan này với lập luận cử cần một hệ thống bưu điện hoạt động hiệu quả trước thềm cuộc bầu cử quan trọng sắp tới.
Thùng thư tại vùng nông thôn ở Wisconsin. |
“Tổng thống, các nịnh thần của ông ta và các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong nghị viện đang ráo riết tấn công dịch vụ bưu chính và vai trò của nó trong việc đảm bảo sự công bằng của cuộc bầu cử 2020”, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi và lãnh đạo phe Dân chủ Chuck Schumer phát biểu trong một tuyên bố chung đưa ra hồi cuối tuần trước.
Bưu chính Hoa Kỳ và Tổng giám đốc DeJoy đang đối mặt với sự chỉ trích của Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu NAACP vì hành vi “cản trở bộ máy dân chủ”. Hiệp hội Quốc gia Người đưa thư NALC, một nghiệp đoàn quyền lực nhất của người lao động ngành bưu chính, cũng mạnh mẽ bày tỏ quan điểm về động thái này. Trong tuyên bố đưa ra cuối tuần qua, Chủ tịch NALC Frederic Rolando Kamala Harris khẳng định nghiệp đoàn chính thức ủng hộ ứng cử viên Joe Biden trong cuộc bầu cử sắp tới, và quyết định này “một phần dựa trên những gì chúng tôi đang được chứng kiến liên quan đến cách hành xử của chính quyền hiện tại với Bưu chính Hoa Kỳ”.
Về phần DeJoy, ông bác bỏ những cáo buộc rằng ông đang là con rối của Tổng thống.
“Mặc dù tôi có quan hệ rất tốt với Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, cáo buộc cho rằng tôi đã ra các quyết định về Bưu chính Hoa Kỳ theo chỉ đạo của Tổng thống, hoặc bất cứ ai khác trong chính quyền, là hoàn toàn vô lý”, ông phát biểu trước báo giới.