Tại cuộc họp báo ở thủ đô Dakar của Senegal, nơi kế hoạch trên được công bố, ông Hamady Bocoum, người đứng đầu Bảo tàng Văn minh Da màu của Senegal, cho biết sáng kiến này sẽ đưa nghệ thuật châu Phi đến với nhiều đối tượng hơn. Ông nhấn mạnh: "Sự thống nhất giữa 60 giám đốc bảo tàng từ châu Phi và châu Âu là một sự kiện lịch sử. Một mạng lưới đã ra đời ở Dakar; diễn đàn cho phép các bảo tàng và đối tác cùng tạo nên tương lai chung".
Động thái này diễn ra vào thời điểm các nước châu Âu đang ngày càng chịu áp lực phải hoàn trả các tác phẩm nghệ thuật châu Phi bị lấy đi trong thời kỳ thuộc địa. Ông Bocoum nhấn mạnh nghệ thuật "không phải là một lĩnh vực của xung đột mà là lĩnh vực của đối thoại". Điều này cũng cho thấy nghệ thuật châu Phi tiếp tục phát triển vượt ra ngoài thời kỳ thuộc địa.
Các bảo tàng sẽ tiếp cận các chính phủ và nhà tài trợ để xin tài trợ nhằm đảm bảo tính lâu dài của chương trình. Những phản hồi ban đầu từ các cơ quan của Pháp và Đức tham dự cuộc họp ở Dakar rất đáng khích lệ. Người đứng đầu Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) Remy Rioux nêu rõ: "Chúng tôi mong muốn hỗ trợ các bảo tàng, cung cấp kinh phí, bởi đây là một vấn đề về phát triển, bảo vệ di sản nghệ thuật, giúp các tác phẩm này có thể tiếp cận được và được sử dụng cho mục đích giáo dục".
Trong khi đó, ông Andreas Goergen, quan chức cấp cao của Bộ Văn hóa Đức, cho biết: "Chính sách của Đức về văn hóa là thúc đẩy quan hệ đối tác mới với các nước châu Phi... trong bối cảnh dựa trên sự thật và lòng tin. Trao trả (tác phẩm nghệ thuật) không phải và sẽ không phải là sự kết thúc, trái lại là sự khởi đầu của một cách tư duy mới".