Theo đó, dự kiến nhu cầu cung ứng vaccine trong năm 2022 ở Việt Nam lên tới 166 triệu liều để tiêm cho các đối tượng, bao gồm cả trẻ từ 12 - 18 tuổi.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đến hết ngày 10/10, Việt Nam đã tiếp nhận 87,7 triệu liều vaccine trong đó chủ yếu là từ nguồn thương mại. Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã phân bổ 81,7 triệu liều qua 57 đợt. Riêng 7 ngày gần đây, có tới 21,5 triệu liều vaccine được phân bổ. Tuần qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tổ chức tập huấn toàn quốc hướng dẫn sử dụng các vaccine mới như Abdala và Hayat-Vax.
Đến nay, cả nước đã tiêm được gần 55 triệu liều vaccine. Có gần 39 triệu người từ 18 tuổi đã tiêm mũi 1 (54,3% dân số từ 18 tuổi), 16 triệu người đã tiêm mũi 2 (22,1%).
Với khoảng 26 triệu liều vaccine tiếp nhận trong 10 ngày đầu tháng 10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá lượng vaccine về gần đây nhanh và nhiều. Tốc độ tiếp cận vaccine và tiêm vaccine được đẩy lên rõ nét.
Tuy nhiên, với số vaccine được sử dụng chiếm 91% số vaccine được phân bổ, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng như vậy “vẫn chưa đạt yêu cầu”, cần phải đẩy mạnh tốc độ tiêm hơn nữa. Đặc biệt một số tỉnh như Quảng Trị, Lai Châu, Kiên Giang, Yên Bái, Hà Giang… chỉ mới sử dụng từ 50 - 80% số vaccine được phân bổ.
Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Minh Hằng thông tin, từ ngày 1 - 10/10, các địa phương, đơn vị trên cả nước đã tiêm được 11 triệu liều, công suất trung bình mỗi ngày khoảng 1,1 - 1,2 triệu liều.
Hiện có 8/63 tỉnh, thành đã bao phủ vaccine ít nhất mũi 1 cho trên 90% dân số từ 18 tuổi; 2 tỉnh bao phủ từ 70 - 80%; 4 tỉnh đạt 50 - 70%; 49 tỉnh mới bao phủ vaccine mũi 1 cho dưới 50% dân số từ 18 tuổi.
TP Hồ Chí Minh hiện là địa phương có số lượng vaccine được phân bổ và người dân được tiêm cao nhất cả nước. Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, thành phố đã tiêm 12,3 triệu liều vaccine với hơn 7 triệu liều là mũi 1 (98% mũi 1 dân số từ 18 tuổi) và 5,3 triệu mũi 2 (tương đương 72%).
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, nguồn vaccine được cấp về cho TP Hồ Chí Minh “khá ổn định”. Những ngày gần đây, những người ở thành phố này đến hạn tiêm mũi 2 đều được tiêm ngay. Thành phố cũng tổ chức tiêm vét cho khoảng 140.000 người còn lại chưa được tiêm do nhiều lý do (như bệnh nền, trì hoãn…). Thành phố cũng tập trung kế hoạch tiêm vaccine cho những người quay lại làm việc trong những ngày tới đây.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, dự kiến trong 20 ngày cuối tháng 10, Việt Nam có thể tiếp nhận gần 40 triệu liều vaccine từ các nguồn khác nhau. Số lượng vaccine trong 2 tháng cuối năm có thể về Việt Nam lên tới hơn 65 triệu liều.
Bên cạnh việc đẩy rất nhanh tiến độ tiêm vaccine trong năm 2021, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các địa phương phải xây dựng kế hoạch tiêm vaccine năm 2022. Theo đó, dự kiến nhu cầu cung ứng vaccine trong năm 2022 ở Việt Nam lên tới 166 triệu liều để tiêm cho các đối tượng, bao gồm cả trẻ từ 12 - 18 tuổi.
Về đối tượng tiêm, ngoài các đối tượng đã nêu rõ trong Nghị quyết 21, Nghị quyết 105 của Chính phủ và Quyết định 3355 của Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch (y tế, công an, tổ COVID cộng đồng, quân đội…) vì đây là đối tượng thường xuyên tiếp xúc và nguy cơ cao lây nhiễm SARS-CoV-2. Ngoài ra, người từ 50 tuổi trở lên; người mắc bệnh nền, người nước ngoài, người lao động làm việc trong doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nhà máy nhỏ lẻ để nhanh chóng phục hồi sản xuất cũng cần được ưu tiên tiêm chủng.
Về việc tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người nước ngoài, Thứ trưởng Tuyên yêu cầu các tỉnh/thành phải thiết lập đầu mối liên hệ để các doanh nghiệp, địa phương lập danh sách người nước ngoài sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn gửi đến. “Các tỉnh phải tiêm bao phủ mũi 1 vaccine cho người nước ngoài trước 31/10, cập nhật ngay số liệu lên hệ thống tiêm chủng”.
Bên cạnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm, tăng diện bao phủ tiêm mũi 1, an toàn trong tiêm chủng, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng đặc biệt lưu ý với vấn đề thúc đẩy tiến trình giao – nhận, vận chuyển vaccine kịp thời về địa phương, đơn vị.
Theo đó, khi vaccine về, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương phân bổ về các kho của các quân khu, các địa phương phải lên các kho quân khu tiếp nhận vaccine ngay khi có thông báo. Nếu năng lực bảo quản, công suất dây chuyền lạnh chưa đáp ứng được, các địa phương phải xây dựng lộ trình cụ thể tiếp nhận vaccine và có bản cam kết thực hiện lộ trình đó với Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur các khu vực.
“Nếu quá thời gian trong lộ trình cam kết mà các địa phương không lên nhận phải báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế để điều chuyển vaccine cho địa phương, đơn vị khác. Tiếp nhận vaccine đã khó, có vaccine rồi phải thúc đẩy quá trình tiếp nhận, vận chuyển, triển khai tiêm nhanh nhất có thể để tăng tốc độ bao phủ”, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu.