Các ngân hàng cần có vai trò lớn hơn trong bảo vệ đa dạng sinh học

0:00 / 0:00
0:00
Các ngân hàng phát triển trên thế giới có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thiên nhiên, nhưng phần lớn bỏ qua yếu tố đa dạng sinh học trong các quyết định về thúc đẩy đầu tư để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu.
Các ngân hàng cần có vai trò lớn hơn trong bảo vệ đa dạng sinh học

Các nhà môi trường học đã cảnh báo như vậy, đồng thời kêu gọi các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về đa dạng sinh học (COP15) tại Montreal (Canada) có hành động để khắc phục tình trạng mất cân bằng đa dạng sinh học.

Từ ngày 7-19/12 tới, phái đoàn của khoảng 195 quốc gia sẽ tham dự COP15 về đa dạng sinh học nhằm thảo luận về một thỏa thuận đa dạng sinh học toàn cầu mới để bảo vệ các hệ sinh thái và các sinh vật trước những hành vi tàn phá của con người. Thỏa thuận đa dạng sinh học toàn cầu này, còn được gọi là khung đa dạng sinh học toàn cầu hậu 2020, đã bị trì hoãn trong 2 năm do đại dịch COVID-19. Hiện các phái đoàn đang gặp khó khăn trong việc thống nhất các điểm chính, trong đó có vấn đề viện trợ tài chính để giúp các quốc gia nghèo hơn đáp ứng các mục tiêu về đa dạng sinh học.

Theo các tổ chức bảo vệ môi trường, các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) có thể đóng góp nhiều hơn với vai trò trung gian để cho ra đời và thực thi một thỏa thuận đầy tham vọng về khung đa dạng sinh học toàn cầu mới. Cố vấn chính sách tại tổ chức bảo vệ môi trường Hòa bình Xanh (Greenpeace) ở Trung Quốc, ông Li Shuo, cho rằng danh mục đầu tư của các MDB cho đa dạng sinh học hiện ít hơn so với danh mục đầu tư cho khí hậu. Cũng theo chuyên gia này, việc liệu các MDB có thể cam kết phân bổ nhiều nguồn lực hơn để bảo vệ thiên nhiên hay không sẽ là "phép thử" cho sự thành công của COP15 về đa dạng sinh học.

Báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) công bố trong tuần này cho thấy, từ nay đến năm 2025, mỗi năm thế giới cần đầu tư 384 tỷ USD để bảo vệ và nâng cao hiệu quả quản lý các hệ sinh thái. Mức đầu tư này cao hơn gấp đôi so với mức hiện nay. Theo UNEP, các MDB phải ưu tiên phát triển hệ thống tài chính xanh và khuyến khích đầu tư tư nhân, đặc biệt là đầu tư vào chuỗi cung ứng bền vững.

Tài sản của các ngân hàng phát triển thuộc sở hữu của chính phủ chiếm khoảng 10% tổng đầu tư toàn cầu. Hầu hết các ngân hàng phát triển cung cấp các khoản vay để đầu tư cho các lĩnh vực "nhạy cảm" với thiên nhiên - như nông nghiệp, khai thác mỏ và cơ sở hạ tầng, những hoạt động thường được thực hiện trong môi trường giàu đa dạng sinh học.

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng các khoản cho vay của các ngân hàng phát triển thuộc chính phủ có thể tàn phá thiên nhiên, với thiệt hại ước tính 800 tỷ USD mỗi năm. Các nhà nghiên cứu kêu gọi các ngân hàng cung cấp thông tin minh bạch hơn về các khoản cho vay để giảm thiểu rủi ro.

Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) Werner Hoyer cho biết ông hy vọng COP15 về đa dạng sinh học sắp tới sẽ tạo động lực để các MDB đẩy nhanh các nỗ lực bảo vệ tự nhiên.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).