Tuần trước, Tổng thống Mỹ Trump đã đe dọa sẽ áp mức thuế 10% đối với khối hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD, mặc dù trước đó khối hàng hóa trị giá 250 tỷ USD đã gánh chịu mức thuế lên tới 25%.
Mức thuế mới, sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9, phần lớn sẽ nhắm vào các sản phẩm tiêu dùng, bao gồm đồ chơi, điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác.
"Mũ bảo hiểm thông minh của chúng tôi chưa có trong danh sách thuế, nhưng có thể bị đánh thuế bất cứ lúc nào. Cuối cùng, chúng tôi phải bắt đầu kế hoạch di dời vào tháng trước", ông Norman Cheng, chủ sở hữu của Strategic Sports, một công ty sản xuất mũ bảo hiểm xe đạp, xe máy và thể thao mạo hiểm hàng đầu được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư Hong Kong đang sản xuất tại Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, kể từ những năm 1990.
"Vì không chắc chắn, chúng tôi cần một kế hoạch dự phòng đầy đủ để đối phó với các mức thuế, nhiều khách hàng Mỹ của chúng tôi rất lo lắng và tiếp tục hỏi chúng tôi về kế hoạch phản ứng trước lệnh trừng phạt thuế quan", chủ doanh nghiệp Trung Quốc chia sẻ.
Ông Cheng đã phải di dời cơ sở sản xuất sang Việt Nam vào tháng 10 năm ngoái, nhưng chỉ quyết định xây dựng cơ sở gần TP. Hồ Chí Minh vào tháng 6/2019, quá trình sản xuất sẽ bắt đầu vào quý 3 năm 2020.
"Nhà máy của chúng tôi tại Việt Nam không hẳn là kế hoạch 10 năm. Bây giờ mọi thứ rất khác với quá khứ. Mọi thứ trở nên rất không chắc chắn và thay đổi rất nhiều mỗi tháng", ông Chen nhận định.
Theo ông Chai Kwong-wah, phó giám đốc Phòng Thương mại Hong Kong, đợt đánh thuế mới của Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều nhà sản xuất đồ chơi và giày dép ở Trung Quốc.
"Theo những gì chúng tôi biết, quy mô của nhiều nhà máy sản xuất đồ chơi vốn cần nhiều nhân lực ở Quảng Đông đang bị thu hẹp, và một số lượng lớn các nhà cung cấp của họ, chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, đã đóng cửa vì tác động của thuế quan", ông Chai cho biết.
Ông Chai đã điều hành một nhà máy sản xuất đồ chơi trong hai thập kỷ ở Thâm Quyến với các sản phẩm như mèo Hello Kitty cho Nhật Bản và các nhân vật hoạt hình Disney cho Mỹ và châu Âu trước khi chuyển doanh nghiệp sang Việt Nam vào năm 2015.
Các nhà máy sản xuất đồ chơi có từ 2.000-3.000 công nhân hiện đã đóng cửa ở Đông Hoản hoặc Thâm Quyến và thuê hơn 10.000 công nhân ở Indonesia hoặc Việt Nam, một số lượng lớn khách hàng Mỹ đang đặt mua ở đó, theo ông Chai.
Theo bản phân tích của ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, được phát hành vào đầu tháng 6, Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất từ sự thay đổi chuỗi cung ứng gây ra bởi cuộc thương chiến Mỹ-Trung, nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á hiện đã được tăng gần 8%.
"Đối với các nhà máy của chúng tôi ở Ấn Độ và Việt Nam, việc mua sắm từ các nhà cung cấp ở đó ngày càng thuận tiện hơn. Do đó, ngay cả khi các sản phẩm giày dép sản xuất tại Trung Quốc phải chịu thuế, chúng tôi vẫn có thể điều chỉnh và chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc để bù đắp chi phí. Nhưng, đối với các nhà cung cấp không đủ khả năng di dời, họ sẽ mất khách hàng và sẽ buộc phải cắt giảm quy mô sản xuất", theo chủ của một doanh nghiệp sản xuất giày dép Đài Loan có nhà máy ở Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam
Norman Cheng từ công ty Strategic Sports cho biết ông đã cân nhắc chuyển các hoạt động sản xuất sang Mỹ, "nhưng không có công nhân phù hợp nào ở đó để thuê cả, chúng tôi cũng không có nhà cung cấp để hỗ trợ".
"Việc thuê nhân công ở Indonesia sẽ khá dễ dàng, nhưng chuỗi cung ứng lại thua xa Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam lại thiếu nguồn nhân công và không chắc rằng sẽ miễn nhiễm với thuế quan của Mỹ. Vì vậy, không có nơi nào hoặc sự lựa chọn nào là tốt nhất, chúng tôi chỉ có thể nói rằng mình không thể dựa vào thị trường Trung Quốc mà phải tiến bước", ông Cheng khẳng định.
Đối với các công ty công nghệ cao hoạt động trong các lĩnh vực thích hợp nơi khách hàng không nhạy cảm về giá vì tính chất không thể thay thế của sản phẩm, gánh nặng thuế quan có thể sẽ được chuyển sang người tiêu dùng Mỹ.
Một số nhà sản xuất thiết bị điện tử cho biết họ sẽ có thể đối phó với mức thuế 10% mới, mặc dù họ thừa nhận mối lo ngại rằng sự không chắc chắn sẽ làm suy yếu niềm tin chung của thị trường.
"Hầu như tất cả các máy bay không người lái được sản xuất tại Quảng Đông và cho đến nay không có bất kỳ nhà máy nào Đông Nam Á mà người mua Mỹ có thể đặt hàng", ông Aaron Zhang, người sáng lập Simtoo Intelligence Technology, doanh nghiệp xuất khẩu tới 50.000 máy bay không người lái hàng năm, chủ yếu xuất sang thị trường Mỹ.
"Máy bay không người lái được sản xuất tại Trung Quốc vẫn có thể cạnh tranh ở thị trường nước ngoài vì lợi thế lớn về giá cả và công nghệ. Sẽ không khó để chúng tôi và khách hàng bù đắp chi phí do mức thuế mới. Nhưng vì sự không chắc chắn, một trong những đối tác lớn nhất của chúng tôi, từng đặt hàng 20.000 máy bay mỗi năm, giờ chỉ bắt đầu đặt hàng 2.000 chiếc mỗi tháng.
Nhưng các dự đoán vô tận về những diễn biến mới nhất về cuộc chiến thương mại, cũng như tỷ giá hối đoái thay đổi và mối đe dọa từ một cuộc chiến tiền tệ, là một vấn đề nhức nhối", ông Zhang nhận định.