Quảng Trị sơ tán gần 2.000 người dân
Chiều 13/11, theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Trị, bão số 13 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Trị từ ngày 14-15/11, gây gió mạnh, mưa to tại địa phương.
Theo tính toán của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, trong trường hợp bão số 13 chỉ ảnh hưởng, không trực tiếp đổ bộ vào thì sẽ tiến hành di dời hơn 6.355 hộ với gần 17.840 người; trường hợp bão trực tiếp đổ bộ sẽ di dời gần 25.000 hộ với trên 94.000 người dân để đảm bảo an toàn.
Các tàu thuyền tại tỉnh Quảng Trị đã vào khu vực tránh trũ bão an toàn. Ảnh: Báo Quảng Trị |
Ngoài ra, tỉnh cũng dự kiến di dời hơn 1.900 hộ với gần 7.800 người ở vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống tập trung ở các xã miền núi. Trước khi bão số 13 đổ bộ vào đất liền, cơ quan chức năng sẽ kiên quyết di dời người dân ở các vùng nguy hiểm đến các địa điểm an toàn. Trong trường hợp cần thiết sẽ tổ chức cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Tính đến ngày 13/11, tỉnh Quảng Trị đã sơ tán 574 hộ với 1.993 người ở 2 huyện Hải Lăng và Hướng Hóa để tránh lũ, sạt lở đất. Toàn bộ 2.312 tàu thuyền với trên 7.000 thuyền viên đã nhận được thông tin về bão số 13 để phòng tránh và vào khu vực an toàn neo đậu.
Người dân Thừa Thiên-Huế không ra ngoài từ tối 14/11
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 13, để đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân, nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 18h00 ngày 14/11 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; căn cứ vào tình hình thực tế, có thể điều chỉnh phù hợp với diễn biến thời tiết; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi có gió lớn.
Bộ đội biên phòng giúp dân thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang giằng chống nhà cửa chống bão. Ảnh: Báo Thừa Thiên-Huế |
Để ứng phó với bão số 13, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch di dời tập trung và tại chỗ 19.671 hộ dân, với 65.890 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn; hoàn thành trước 10h00 ngày 14/11.
Hiện nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức bắn pháo hiệu, kêu toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã vào neo đậu an toàn 2.062 chiếc/11.350 lao động phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển hướng dẫn tránh trú, neo đậu tại bến.
Đà Nẵng cho người lao động nghỉ tránh bão
Nhằm chủ động ứng phó với bão số 13, chiều 13/11, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục ban hành công điện yêu cầu UBND các quận, huyện triển khai ngay phương án sơ tán các hộ dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, nhà khu vực ven biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét, ngập lụt, nước biển dâng do bão đến nơi an toàn, bắt đầu từ chiều ngày 13/11 và chậm nhất đến 11h ngày 14/11 phải hoàn thành.
Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 12h ngày 14/11 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ làm việc trong ngày 14/11 (trừ lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).
Nghiêm cấm tàu thuyền xuất bến, ra khơi. Tổ chức đưa toàn bộ tàu thuyền trên sông Hàn vào khu trú tránh bão, hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn, hoàn thành trước 15h ngày 13/11. Yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công ngừng thi công, hạ tất cả các cần trục, tháp cẩu và các phương tiện thiết bị thi công trên cao trước 17h ngày 13/11.
Quảng Nam hoàn thành sơ tán dân trước trưa ngày 14/11
Chiều 13/11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu.
Triển khai phương án sơ tán theo mức ngập báo động III +1 m tại các trạm thủy văn, hoàn thành trước 12h ngày 14/11, đồng thời bảo đảm lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.
Lực lượng chức năng đưa người dân tới nơi sơ tán. Ảnh: Báo Quảng Nam |
Chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản của nhân dân và khách du lịch ven biển, các đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản. Hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè, hoàn thành trước 12h ngày 14/11.