Để phòng tránh dịch bệnh cảm cúm do chủng mới virus Corona gây ra, học sinh các cấp học đều được nghỉ học khoảng 2 tuần.
Phụ huynh lo lắng sợ các con mất bài. Ngành giáo dục lo lắng sẽ làm xáo trộn thời gian thi cử. Giáo viên lo lắng học bù một cách nhồi nhét sẽ làm học sinh áp lực, tiếp thu kiến thức không hiệu quả.
Vậy nên câu hỏi: “Sẽ dạy học bù cho học sinh thế nào để mang lại hiệu quả cao?” vẫn đang được không ít người quan tâm.
Đối với bậc trung học
Sau những ngày nghỉ, học sinh hai bậc trung học sẽ bước vào tuần học 21 hoặc 22 (tùy từng địa phương).
Vậy nên dạy hết 31/5 cũng vừa khéo 37 tuần học. Nếu trừ một số ngày nghỉ lễ (giỗ tổ, 30/4; 1/5) giáo viên phải dạy bù sang tháng 6 khoảng 1 tuần.
Bố trí dạy kiểu này, sẽ tránh được áp lực cho giáo viên và cho chính học sinh.
Vì, các em đi học cả tuần mà ngày chủ nhật vẫn phải đi học nữa sẽ rất mệt mỏi. Và nếu bố trí lịch học như vậy, chắc chắn học sinh đi học sẽ không hiệu quả.
Riêng lớp 9 và lớp 12, cần tổ chức cho học sinh học xong chương trình trước tháng 6 để các em có thêm thời gian ôn thi tốt nghiệp và thi vào 10.
Vậy cũng không nên bố trí học vào chủ nhật mà nên cho các em học vào các buổi chiều.
Đối với những trường không đủ phòng học có thể bố trí cho các em học thêm vào buổi tối như hiện nay nhiều trường đang dạy theo hình thức dạy thêm.
Đối với trường tiểu học, học 1 buổi/ngày
Trường tiểu học, học một buổi/ngày thì mỗi ngày các em sẽ học 5 tiết vào một buổi sáng hoặc chiều (thường những trường thiếu xơ sở vật chất).
Những trường học này phần đông không đủ phòng học nên không thể bố trí cho các em học thêm vào buổi chiều.
Bởi thế, việc dạy bù sẽ khó khăn hơn. Thế nhưng học kỳ 2 vẫn còn từ 1-2 tuần dự trữ. Vì vậy, có thể bố trí cho các em học bù vào thời gian này. Hoặc là có thể kéo dài thêm 1 tuần nữa vào tháng 6 để tránh áp lực cho các em.
Đối với trường học 2 buổi/ngày
Thuận lợi nhất có lẽ là trường học 2 buổi/ngày. Giáo viên muốn dạy bù kiến thức chẳng khó gì.
Thường thì buổi chiều phần lớn là tiết ôn tập bổ sung như Đạo đức(bổ sung);
Tự nhiên và Xã hội (bổ sung); Âm nhạc (bổ sung); Sinh hoạt tập thể (bổ sung)…
Nhiều nhất là Toán (bổ sung) và tiếng Việt (bổ sung). Hai môn Toán, tiếng Việt (bổ sung) chiếm gần 10 tiết bổ sung trong một tuần.
Thế nên, nhà trường nên thống nhất những tiết học bổ sung thế này để dạy bù chương trình đã nghỉ sẽ vô cùng thuận lợi và tránh được nhiều áp lực cho cả giáo viên và học sinh.
Nếu sắp xếp lịch dạy bù một cách khoa học, phù hợp cũng là giúp giáo viên và học sinh dạy và học đạt hiệu quả cao.
Tránh kiểu học nhồi nhét thì dù có dạy xong chương trình nhưng do mệt mỏi, căng thẳng thì lượng tiếp thu tri thức vào đầu của các em cũng chẳng được bao nhiêu.