Phát biểu tại hội nghị “Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Lộ trình đến thành công” ngày 18/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Cùng với đó, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Dẫn báo cáo đánh giá gần đây của Ủy ban châu Âu, Bộ trưởng cho hay, quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5.000 tỷ USD. Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh đặt ra tại chiến lược, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam cần có những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa để đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD đóng góp mỗi năm vào tổng GDP quốc gia năm 2020 lên 300 tỷ USD vào năm 2050.
Trong đó, cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực thiết yếu nhất giúp Việt Nam kích hoạt các lợi thế tự nhiên và vươn lên trở thành nước phát triển trên cả ba yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội vào năm 2045.
Đại diện của đối tác tư vấn, ông Jaime Ruiz-Cabrero, Tổng giám đốc BCG khu vực Đông Nam Á, cho hay, các quốc gia dẫn đầu thế giới đang tăng tốc đẩy mạnh phát triển các công nghệ giải pháp nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, sạch và ít carbon.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn về thu hút đầu tư cho tăng trưởng xanh. |
Điều này mở ra cơ hội cho Việt Nam đón đầu xu hướng và trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ sạch trong khu vực và có thể toàn cầu.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho biết, năm 2022, doanh nghiệp đã chuyển đổi toàn bộ sản xuất xe xăng sang xe điện, bao gồm xe bus điện, ô tô điện và xe máy điện.
“Chúng tôi vừa ra mắt công ty xe điện GSM, trước mắt sẽ triển khai ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP,HCM,... sau đó, phát triển ra các nước ở châu Á để cung cấp cho người dân cơ hội lựa chọn dùng taxi - phương tiện di chuyển không phát thải.Để trở thành doanh nghiệp Net Zero (tức là phát thải ròng bằng 0), chúng tôi không chỉ sản xuất xe điện mà còn áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng vào quy trình sản xuất, tìm kiếm nguyên vật liệu, linh kiện thân thiện với môi trường hơn. VinES là công ty về lĩnh vực pin của Vingroup cũng đang triển khai chương trình tái chế xe điện”, ông Quang chia sẻ.