Nếu như tại nhóm ngân hàng cổ phần Nhà nước như: Vietinbank, BIDV, Vietcombank, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn từ 1 - 3 tháng chỉ dao động từ 4,4 - 5%/năm, thì nhóm ngân hàng cổ phần quy mô vừa và nhỏ đang huy động kỳ hạn này với mức lãi suất từ 5,1 - 5,5%/năm.
Một số ngân hàng cổ phần nhỏ và vừa như VietCapital Bank, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 - 5 tháng đều ở mức 5,4%/năm. Nếu gửi theo phương thức online, người gửi sẽ được cộng thêm 0,1%/năm.
Cận Tết, lãi suất huy động lại rục rịch tăng. (Ảnh minh họa: KT) |
Tại VietCapitak Bank, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng là 8%/năm, kỳ hạn 18 tháng là 8,5%/năm và kỳ hạn từ 24 tháng trở lên lãi suất huy động ở mức 8,6%/năm. Tuy nhiên, khi gửi theo phương thức online, mức lãi suất sẽ là 8,7%/năm.
Tại ngân hàng HDBank, khách hàng mở mới thẻ tiết kiệm ở kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng và 13 tháng, lĩnh lãi định kỳ hoặc cuối kỳ sẽ được cộng thêm tối đa lên đến 0,6%/năm, lãi suất tối đa cho khoản gửi tiết kiệm lên đến 7,5%/năm.
Một số ngân hàng khác cũng đưa ra lãi suất huy động 8,6 - 8,7%/năm, nhưng chỉ áp dụng cho chương trình riêng trong một thời gian ngắn, chứ không áp dụng cho các khoản tiền gửi thông thường.
Theo TS. Bùi Quang Tín, cận Tết, lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn khác nhau. Trên thực tế, mặt bằng lãi suất huy động tăng từ vài tháng nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát tín dụng ở mức thấp 14%, buộc các ngân hàng phải lựa chọn khách hàng, đánh giá rủi ro... nên lãi suất khó giảm.
Giới chuyên gia tài chính-ngân hàng thì nhận định, thời điểm này, các ngân hàng phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 40%. Do vậy, các ngân hàng phải tăng lãi suất nhằm tăng hút nguồn vốn trung và dài hạn để đáp ứng quy định Thông tư 19/2017/TT-NHNN./.