Cần triệt để đổi mới dạy học Ngữ văn và Lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngày 15/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, môn Lịch sử ở trường phổ thông.
Cần triệt để đổi mới dạy học Ngữ văn và Lịch sử

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định không phải đến thời điểm này Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đặt ra vấn đề đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá môn Lịch sử, môn Ngữ văn hay các môn học khác mà vấn đề này đã được đặt ra nhiều năm nay.

Đổi mới cần thực hiện ở tất cả các môn học, tuy nhiên, môn Ngữ văn, Lịch sử cần ráo riết đổi mới trước, các môn khác có thể làm sau. Bởi môn học nào cũng đều tham gia kiến tạo con người nhưng Lịch sử, Ngữ văn tham gia vào kiến tạo con người, xây dựng văn hóa con người một cách trực tiếp và trực diện, người đứng đầu ngành Giáo dục nhấn mạnh.

“Mục tiêu của đổi mới giáo dục phổ thông là tăng cường phương diện dạy người, rèn luyện đạo đức, nhân cách, phẩm chất của con người. Sự kỳ vọng của xã hội đặt ở việc triển khai 2 môn học này cũng rất lớn. Do đó, đổi mới Lịch sử và Ngữ văn cần làm trước, ưu tiên và làm ngay, làm dứt khoát cho đến khi nào có hiệu quả”, Bộ trưởng cho biết.

Đi vào những vướng mắc cụ thể hiện nay trong dạy học môn Lịch sử và Ngữ văn, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề chung hiện nay của cả 2 môn học này là làm sao hấp dẫn được học sinh học và giáo viên hứng thú dạy. Theo Bộ trưởng, quan trọng là cái thực và tính chủ thể của giáo viên, học sinh trong tiếp cận môn học.

Đối với môn Lịch sử, cần tôn trọng sự thực khách quan, đối với môn Ngữ văn, cần tôn trọng cảm xúc, tình cảm thực. Phải để cho học sinh được tiếp cận với tư liệu và hiện vật, đối tượng khách quan. Học sinh phải được xác định là chủ thể, thầy cô như người chỉ đường; qua đó, các em tự khám phá lịch sử, tự thấy cái hay của lịch sử; được tham gia vào quá trình sáng tạo, được thể hiện cảm xúc, thái độ thực của bản thân.

Lịch sử là công cụ, chỗ dựa, phương tiện để tu dưỡng con người. Môn Lịch sử đem lại cho con người thế giới kinh nghiệm, tri thức về xã hội. Giáo dục Lịch sử là giáo dục cho trẻ em những trải nghiệm, chứ không chỉ là tri thức…

Đối với môn Ngữ văn, Bộ trưởng đề cập đến việc cần tập trung nhiều hơn cho môn tiếng Việt, cần tiếp cận môn tiếng Việt với mục tiêu bất kỳ người Việt nào cũng có trình độ và năng lực tiếng Việt tốt không chỉ ở bậc phổ thông, mà ở cả các cấp học cao hơn.

Khẳng định quan điểm cần triệt tiêu văn mẫu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, văn học phải củng cố vị trí của một môn học nghệ thuật. Môn học cần phát triển tư duy nghệ thuật, trong đó đặc biệt lấy phát triển tư duy hình tượng, lấy văn học làm rộng mở trí tưởng tượng, phát triển các cảm xúc. Cần loại bỏ xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định. Làm được như thế mới giải phóng được con người.

Việc đổi mới dạy học, kiểm tra và đánh giá môn Lịch sử, Ngữ Văn là việc cần thiết, quan trọng, song Bộ trưởng cũng yêu cầu “không thể nóng vội và cần có tầm nhìn đổi mới. Chúng ta bàn về sự đổi mới để hướng tới sự tốt nhất. Có thể nhìn thấy con đường đi còn xa nhưng cần phải biết sẽ đi đến đâu. Đổi mới phải bắt đầu từ bên trong, từ chính chúng ta trước, sau đó thuyết phục xã hội. Con đường còn dài, nhưng tính tổng thể và tầm nhìn đổi mới phải bắt đầu”.

Một số vấn đề đặt ra đối với môn Ngữ văn được đề cập trong hội thảo gồm: Làm sao để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập; xây dựng đề kiểm tra định kỳ như thế nào để đánh giá đúng năng lực học sinh; xây dựng đáp án và hướng dẫn chấm như thế nào để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm; việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để chống văn mẫu trong nghị luận văn học nhằm thúc đẩy đổi mới nội dung, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học…

Ở môn Lịch sử, các đề xuất tập trung vào việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học trong việc thực hiện mục tiêu giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp ở trường phổ thông; đề xuất các điều kiện nhằm đảm bảo cho việc thực hiện chương trình mới, đặc biệt là yếu tố giáo viên trong đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; đổi mới việc ra câu hỏi kiểm tra đánh giá nhằm khai khai thác các nguồn sử liệu, tranh ảnh, lược đồ, câu hỏi mở tạo điều kiện cho học sinh tự biểu đạt chính kiến của mình về các vấn đề Lịch sử, khắc phục tình trạng ghi nhớ sự kiện một cách máy móc, thuộc lòng.

Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.