Rác thải tràn lề đường, quanh năm bốc mùi hôi thối
Đèo Mã Phục thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, đây chính là tuyến đường duy nhất nối vào 5 huyện miền Đông của tỉnh Cao Bằng, trong đó có huyện Trùng Khánh, nơi được thiên nhiên ưu ái ban tặng thác nước hùng vĩ, được đánh giá là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á đó là thác Bản Giốc.
Nếu như trước kia, miền sơn cước để lại dấu ấn cho mỗi du khách về vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc, không khí trong lành thì giờ đây, thứ mà du khách hay chính người dân địa phương nhắc đến nhiều nhất tại Đèo Mã Phục đó chính là “mùi hôi thối quanh năm”.
Hố rác ngay bên cạnh đường. |
Trò chuyện với PV, bà T.T.N người dân sinh sống tại xã Quốc Toản chia sẻ: “Mùi từ xương, nội tạng bò của mấy hàng bán thịt đổ ra chứ đâu. Hôi thối lắm, 2 năm nay rồi nhưng vẫn phải chịu thôi, còn tình làng nghĩa xóm nữa, nên chúng tôi cũng chẳng muốn nói. Dân mình thì chịu quen rồi. Nhưng mỗi năm biết bao nhiêu lượt khách du lịch ghé thăm, rồi họ sẽ đánh giá như nào đây?".
Xương động vật vẫn chưa được phân hủy bốc mùi hôi thối. |
Theo như PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử ghi nhận, không chỉ mùi hôi thối phát ra từ động vật chết, rác thải sinh hoạt vứt thành từng đống tràn lan ngay bên đường.
Chị Trang, quê tại huyện Quảng Uyên cho biết: “Cuối tuần nào vợ chồng tôi về quê cũng phải qua đây. Lần nào qua cũng thấy mùi của động vật chết bốc ra, thối khủng khiếp. Chỉ muốn qua thật nhanh, nhưng đoạn đèo nguy hiểm muốn đi nhanh cũng chẳng được. Qua được hết đoạn mùi hôi thì gần hết đèo lại 1 đống rác bên đường. Nắng thì bốc mùi khủng khiếp, mưa thì nước đen nghịt chảy ra ghê lắm".
Rác thải sinh hoạt vứt thành từng đống ngay bên đường. |
Điều đáng nói, tình trạng ô nhiễm đã kéo dài lâu ngày, lại nằm ngay bên đường nhưng không được bất cứ sự can thiệp nào của chính quyền địa phương.
Đây là nguyên nhân phát ra mùi hôi thối trên Đèo Mã Phục. |
Mong chờ ý thức từ người dân
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông Lương Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Quốc Toản cho biết: “Trong thời gian vừa qua xã cũng đã chỉ đạo các hộ dân tại đèo mã phục ký bản cam kết và bản quy chế xử lý rác thải. Lo sợ ảnh hưởng đết đất canh tác của người dân nên dự án ChildFund cũng đã hỗ trợ xây dựng lò đốt rác, thế nhưng hiện tại đang là mùa mưa, nên xương và nội tạng của động vật rất khó để tiêu hủy được và còn mùi hôi thối thì không thể khử được hết.
Vừa qua, xã cũng đã trao đổi với trạm thú y bên huyện để tìm ra loạt thuốc phun nào để hỗ trợ cho xã, thế nhưng hiện tại vẫn chưa tìm ra được loại thuốc phun nào”.
Ông Hiệp cho biết: "Bên cạnh những xương và nội nạng của động vật chết còn có rác thải sinh hoạt từ các quán nước". |
Cũng theo ông Hiệp, chính quyền địa phương đã nỗ lực hết sức để mỗi người dân hay các du khách qua đoạn Đèo Mã Phục không phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường, thế nhưng ý thức của người dân còn quá kém. Khiến tình trạng ngày một khó xử lý hơn.
Hố rác lớn gần sát đường không một chính quyền địa phương nào phát hiện. |
PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử cũng đã có buổi trao đổi với ông Nông Văn Hoàn phó Chủ tịch UBND và ông Lưu Văn Hòa Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Trà Lĩnh về phương hướng giải quyết.
Ông Hòa cho biết: “Để khắc phục ô nhiễm và đảm bảo môi trường không khí tại đèo mã phục, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và xã tiến hành họp, tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức, nhận thức cho người dân.
Và xây dựng 1 quy chế riêng để xử lý rác thải đúng nơi quy định. Huyện sẽ giao cho xã tiếp tục giám sát chặt chẽ hơn nữa để kịp thời khắc phục”.
Tuy nhiên, khi được PV đề cập đến sự việc rác thải vứt tràn lan và xương cũng như nội tạng động vật vứt ngay hố sát đường khiến mùi hôi thối theo đó phát ra, thì các vị lãnh đạo huyện đều nhận định là không biết.
Chính quyền địa phương không biết đến sự "tồn tại" của những đống rác và hố rác chứa xương động vật chết, mặc dù chúng "nằm" ngay gần đường. |
Người dân trông đợi vào chính quyền xã, xã lại đợi sự trợ giúp của huyện, huyện lại nói sẽ chỉ đạo cho xã quản lý chặt chẽ hơn. Vậy trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Đến bao giờ Đèo Mã Phục mới được “giải thoát”? Phải chăng đó còn là một dấu hỏi lớn, mà ngay cả chính quyền địa phương cũng chưa tìm ra câu trả lời.