Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 10 chương, 154 điều với một số những nội dung mới và lần đầu tiên xuất hiện, trong đó có nội dung liên quan đến bảo vệ, phát huy giá trị di sản tư liệu; hợp tác quốc tế về di sản văn hóa... Riêng về di sản tư liệu được thể hiện ở Chương V: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu, gồm 17 Điều, từ điều 85 đến Điều 101, với các nội những nội dung chủ yếu là: Phân loại di sản tư liệu; Kiểm kê, Ghi danh di sản tư liệu vào Danh mục quốc gia và UNESCO; Trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đưa Di sản tư liệu đã được ghi danh ra khỏi Danh mục quốc gia và Danh mục di sản tư liệu của UNESCO. Nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị 11 di sản tư liệu sau khi được ghi danh; Bảo quản; Bản sao; Đưa di sản tư liệu sau khi được ghi danh đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước, nước ngoài và từ nước ngoài về nước Quyền và trách nhiệm của các chủ sở hữu trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu...
Đây là lần thứ 3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng Luật trên quy mô lớn để sớm hoàn thiện văn bản theo đúng tiến độ đề ra trên tinh thần đảm bảo có được chính sách phù hợp nhất với thực tiễn.
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nêu rõ: Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2001, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009, là bước cụ thể hóa chính sách về bảo tồn di sản văn hóa theo Hiến pháp năm 1992 và tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, cùng các điều ước quốc tế liên quan Việt Nam là thành viên. Qua hơn 20 năm thực thi, sự nghiệp bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã đạt được một số thành tựu quan trọng, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội…
Từ khi Luật có hiệu lực thi hành đến nay, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tiếp tục được ban hành nhằm tăng cường định hướng cho hoạt động văn hóa, trong đó có di sản văn hóa. Đó là Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021...
Do đó, từ năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm thể thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về đảm bảo “quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa” (Điều 41) và chủ trương, đường lối về di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay; thực hiện nhiệm vụ được giao...
Tại hội nghị - hội thảo này, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, đơn vị trong lĩnh vực di sản văn hóa đã nêu ý kiến làm rõ hơn việc cụ thể hóa các chính sách đã được xác định trong Hồ sơ Dự án xây dựng Luật thông qua 6 nhóm vấn đề.
Đó là hệ thống khái niệm và quy trình nhận diện, ghi danh, xếp hạng di sản văn hóa để tiến hành các biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị tổng thể di sản văn hóa. Tiếp đó là vấn đề về quyền sở hữu và các quyền liên quan tới di sản văn hóa; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan trong quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, ở lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, hoạt động bảo tàng và di sản tư liệu; biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa từ hướng tiếp cận tổng thể.|
Cùng đó là trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ trung ương tới địa phương, cơ chế thống nhất về phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị; cơ chế huy động, thu hút tổng thể các nguồn lực xã hội tích cực tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; cơ chế đảm bảo để các quy định pháp luật được thực thi hiệu quả...