Tỷ phú người Trung Quốc đang phải đối mặt với một chiến dịch chống lại các hoạt động chống lại công ty công nghệ của mình và con gái ông đang có nguy cơ hầu tòa án hình sự của Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư, CEO và nhà sáng lập Huawei tuyên bố "cuộc tấn công và đàn áp" của chính phủ Mỹ đã đưa ra một lời cảnh tỉnh rất cần thiết cho các nhân viên của công ty.
Mỹ đã kêu gọi các đồng minh cấm sử dụng thiết bị Huawei, cáo buộc Bắc Kinh có thể sử dụng công nghệ mạng 5G để theo dõi các quốc gia khác. Huawei đã liên tục bác bỏ lời cáo buộc này và cho biết công ty này không vi phạm quy định bảo mật.
Huawei là công ty chủ chốt trong lĩnh vực công nghệ 5G. Đây là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu cạnh tranh với Samsung và Apple.
"Kể từ khi Mỹ tấn công và đàn áp chúng tôi, mọi người trong công ty đã thực sự đoàn kết với nhau và muốn làm cho sản phẩm của chúng tôi tốt hơn", ông Nhậm nói.
Ông Nhậm Chính Phi, 74 tuổi, có xuất thân từ quân đội Trung Quốc, sau khi sáng lập Huawei vào năm 1987, công ty của ông đã phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích ở Trung Quốc khi trở thành một trong những công ty tư nhân đầu tiên của đất nước.
Tỷ phú người Trung Quốc cho rằng nghịch cảnh là tốt và nói rằng tất cả nhân viên của mình, bao gồm cả con gái Mạnh Vãn Chu, có thể "cứng rắn hơn nữa".
Bà Mạnh, giám đốc tài chính của Huawei, đã bị bắt vào tháng 12 tại Canada và đang chống lại lệnh dẫn độ sang Mỹ, bà sẽ phải đối mặt với cáo buộc gian lận ngân hàng và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran.
"Các anh hùng luôn phải đối mặt với rất nhiều đau khổ. Làm thế nào bạn có thể trở nên cứng rắn và thân thể dày dạn, nếu bạn chưa bao giờ bị thương và có sẹo?", ông Nhậm cho biết.
"Đau khổ có lẽ là sự rèn luyện tốt cho sức mạnh ý chí. Điều này có thể không thực sự tồi tệ", ông Nhậm nói về trường hợp con gái mình.
Tỷ phú này còn có hai người con khác, một cậu con trai làm việc tại một công ty con của Huawei và một cô con gái khác đang học tại Harvard.
Ông thừa nhận rằng mình đã bỏ bê những đứa con của mình khi chúng lớn lên và quá bận rộn để chiến đấu cho sự sống còn của Huawei.
Vài ngày trước, vợ của ông Nhậm đã nhắc nhở chồng mình về việc ông từng từ chối mua cho con một món đồ chơi rẻ tiền.
"Bà ấy vẫn phàn nàn về sự cố đó, khi con gái chúng tôi còn nhỏ. Tôi nói với con gái rằng tôi có thể mua món đồ chơi cho nó bây giờ, nhưng nó không cần nó nữa", ông Nhậm chia sẻ.
Mở cửa cho Google 'sẽ có lợi cho Trung Quốc'
Bất chấp chiến dịch của Mỹ chống lại công ty của mình, ông Nhậm vẫn rất ngưỡng mộ quốc gia này với tư cách là một nhà lãnh đạo của giới kinh doanh và công nghệ.
Ông nói rằng mình hy vọng áp lực đối với Huawei sẽ không đẩy nhân viên của mình tới "chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi" hoặc đẩy họ trở thành "người chống Mỹ".
Bản thân ông Nhậm cũng đang chịu sự giám sát tại Mỹ. Theo các tài liệu của tòa án, các công tố viên Mỹ cáo buộc rằng ông đã nói dối các đặc vụ FBI trong một cuộc phỏng vấn năm 2007, khi ông nói Huawei tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Khi được hỏi vào hôm thứ Tư, liệu ông có lo lắng về việc đi du lịch đến Mỹ hay không, ông Nhậm nói rằng mình không cần phải đến thăm đất nước này, nơi chỉ là một thị trường nhỏ cho các sản phẩm của Huawei. Tỷ phú này cũng tiếp tục nói đùa rằng nếu bị bắt giam tại Mỹ, ông sẽ viết một cuốn sách lý giải cách nước Mỹ trở thành một đất nước hùng mạnh nhất thế giới.
Ông Nhậm cũng cho biết mình ủng hộ việc các công ty nước ngoài đầu tư tại thị trường Trung Quốc.
"Tôi luôn ủng hộ việc để Google, Amazon và các công ty như vậy vào Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ có lợi cho Trung Quốc".
Hiện hãng bán lẻ lớn nhất thế giới Amazon đã thâm nhập được vào thị trường tỷ dân này nhưng cũng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các "ông lớn" như Alibaba và JD.com.
Đừng giữ mối hận thù
Ông Nhậm đã đến Mỹ vào đầu những năm 90, thời điểm Trung Quốc vẫn bị tụt hậu rất xa so với các quốc gia phát triển và bắt đầu dần dần mở cửa một phần nền kinh tế.
"Khi tôi đến thăm nước Mỹ. Tôi đã nói rằng sự thịnh vượng và giàu có của đất nước này không đến từ sự cướp bóc, họ thừa hưởng nhờ công nghệ cao. Tôi đã nói điều này vào năm 1992", ông nói.
Cho đến nay, Trung Quốc đã sở hữu các doanh nghiệp công nghệ nội địa của riêng mình như Huawei, Alibaba và Tencent.
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết rằng ông muốn có "công nghệ 5G và thậm chí 6G" tại Mỹ càng sớm càng tốt, nói thêm rằng các công ty Mỹ cần tăng cường nỗ lực hoặc bị bỏ lại phía sau.
Mặc dù Huawei trong nhiều năm gần như đã đóng cửa thị trường để cung cấp thiết bị mạng cho các nhà mạng không dây lớn của Mỹ, ông Nhậm cho biết công ty của mình sẵn sàng giúp đỡ nếu chính phủ Mỹ thay đổi lập trường.
"Chúng tôi rất có khả năng, chúng tôi có thể hợp tác với mạng 6G để làm việc tốt hơn nữa. Tôi sẽ không giữ mối hận thù", ông Nhậm khẳng định.