Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 30 trường Trung học phổ thông, với hơn 35.000 học sinh. Hầu hết các trường đều quy định học sinh không được điều khiển xe môtô, xe gắn máy đến trường. Tuy nhiên, theo ghi nhận vào các giờ tan học, bên cạnh việc học sinh điều khiển xe đạp, xe đạp điện hoặc được người thân đưa đón thì vẫn còn nhiều trường hợp các em tự điều khiển xe môtô, xe gắn máy đến trường.
Việc này không chỉ vi phạm nội quy nhà trường mà còn vi phạm luật giao thông đường bộ, vì hầu hết các em chưa đủ tuổi, chưa được các cơ quan chức năng cấp giấy phép lái xe.
Trên địa bàn huyện Châu Thành vào các giờ tan học, có rất nhiều em điều khiển xe môtô, xe gắn máy đến trường và không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện. Trường Trung học phổ thông Vũ Đình Liệu (khóm 2, thị trấn Châu Thành) đang sửa chữa, nâng cấp nên hầu hết các em đều gửi xe ở khu vực bên ngoài.
Ông Lý Phi Hùng (khóm 1, thị trấn Châu Thành) cho biết, tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm, chạy xe lạng lách, đánh võng, nhiều em chạy xe bất chấp luật giao thông còn diễn ra ở một số nơi, đây là vấn đề dễ gây tai nạn. “Để đảm bảo an toàn giao thông cho mọi người, chúng tôi kiến nghị CSGT đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; phối hợp cùng nhà trường rà soát, nắm lại số học sinh thường xuyên đi xe môtô, xe gắn máy từ đó có hướng giải pháp phù hợp”, ông Hùng nói.
Tại Trường THPT Phạm Thái Bường (phường 1, TP Trà Vinh) có 36 lớp với 1.500 học sinh. Việc học sinh đi xe gắn máy tới trường luôn được nhà trường nhắc nhở ở các buổi chào cờ đầu tuần. Thông qua các cuộc thi tìm hiểu luật giao thông. Tuy nhiên, đối với các trường hợp học sinh đi học bằng xe môtô, xe gắn máy thì nhà trường không quản lý hết được, hầu hết các em không chạy vào trường mà gửi các điểm giữ xe bên ngoài. Nhiều học sinh chạy xe máy tốc độ cao, nẹt pô cũng có trường hợp các em chạy xe đạp điện với tốc độ khá cao.
Thầy Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Thái Bường cũng cho biết, trong căn cứ đánh giá xếp loại học sinh trước đây (Thông tư 58 sau này là Thông tư 26), việc chấp hành Luật Giao thông của học sinh để đánh giá hạnh kiểm cuối kỳ. Bên cạnh đó nhà trường cũng cần sự phối hợp của chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý cơ sở giữ xe trái phép bên ngoài làm ảnh hưởng đến trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè.
Tại Trường THPT Nguyễn Văn Hai (xã Bình Phú, huyện Càng Long), hiện có 12 lớp học với hơn 1.200 học sinh.
Thời gian qua, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo Ban Chấp hành đoàn trường, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở học sinh trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Chủ động phối hợp với CSGT Công an huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các em trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều học sinh chưa chấp hành Luật Giao thông như: Điều khiển xe môtô, xe gắn máy đi học, chạy xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm.
Thầy Bùi Văn Vạn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Hai cho biết, thời gian vừa qua, nhà trường có làm đề nghị gửi đến giao thông Công an huyện Càng Long phối kết hợp với nhà trường để xử lý những học sinh chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép lái xe mà đi xe gắn máy.
Nhà trường cũng đề nghị CSGT khi xử lý các em học sinh vi phạm thì gửi danh sách cho trường nắm. Khi nhận được danh sách của phía CSGT, nhà trường sẽ mời phụ huynh và những em vi phạm đến trường để Ban Giám hiệu nhà trường cùng đoàn thanh niên, giáo viên chủ nhiệm xem xét xử lý những em học sinh vi phạm.
Việc học sinh điều khiển xe môtô, xe gắn máy đến trường tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn, va chạm giao thông. Nhà trường cần phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông cho các em, thường xuyên nhắc nhở, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Về phía gia đình, các phụ huynh nên cân nhắc khi mua xe máy cho con, tuyệt đối không để các em chưa đủ tuổi tự điều khiển xe môtô đến trường.