'Chân dung của ly hôn' qua lăng kính của nữ nhà báo Chu Hồng Vân

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ly hôn trong xã hội hiện đại đã không còn là điều quá đỗi xa lạ, nhưng dường như ta mới biết đến nó trên bề mặt. Đó không phải chỉ là lúc cặp vợ chồng ra toà ký vào lá đơn chia tay mà là cả một quá trình, bao gồm sự rạn nứt mối quan hệ, thời điểm đổ vỡ, và cuộc gom nhặt lại bản thân của mỗi cá nhân sau đó. Rất nhiều khi giai đoạn khốc liệt nhất là giai đoạn thứ ba.
'Chân dung của ly hôn' qua lăng kính của nữ nhà báo Chu Hồng Vân
'Chân dung của ly hôn' qua lăng kính của nữ nhà báo Chu Hồng Vân ảnh 1

Tác giả, nhà báo Chu Hồng Vân.

Cuốn sách "Chân dung của ly hôn" của tác giả, nhà báo Chu Hồng Vân vừa được Nhã Nam ra mắt mới đây, đã tiếp cận, chia sẻ, đồng hành cùng những cá nhân trong quá trình vùng vẫy phục hồi sau đổ vỡ hôn nhân, mà điều đầu tiên là dám kể ra câu chuyện và đối diện với vấn đề của bản thân.

Cuốn sách mang đến cái nhìn cận cảnh về ly hôn, kể lại những câu chuyện chân thực sắc nét từ nhiều góc độ, cho thấy những người cha đã vụn vỡ thế nào, những người mẹ đã chịu đựng điều gì, và ám ảnh nhất là những đứa trẻ - chúng đã xoay xở để sống với nỗi đau ra sao.

Chân dung của ly hôn không bàn về việc vì sao người ta ly hôn, không phân xử ai là người có lỗi, mà tập trung vào giai đoạn sau khi ký đơn chia tay, những người lớn đã chịu đựng những gì, họ vượt qua điều đó thế nào, vết thương nào còn hay hết, và đặc biệt, những đứa trẻ - chúng ở đâu trong quyết định của bố mẹ.

Chúng ta sẽ gặp ở đây một người mẹ như chị Thanh Tú, chồng đi du học rồi “mất tích” luôn… mười hai năm, một ngày anh trở về, thản nhiên bước vào nhà. Cuộc ly hôn diễn ra, nhưng tổn thương mà đứa trẻ và người mẹ đã mang khiến cuộc kiếm tìm hạnh phúc mới của họ vô cùng khó khăn. Chúng ta sẽ gặp Nam, cậu bé cứ đến tiết học cuối là gần như phát điên, vì đấy là lúc mẹ cậu chờ ở cổng trường chỉ để được nhìn cậu một lát: bố mẹ cậu ly hôn và bố cấm mẹ gặp cậu. Hay chúng ta được nghe về anh Thảo, người bố bị suy sụp đến trầm cảm sau cuộc chia tay.

“Đến chết chắc tôi cũng không thể nào quên giây phút cô giáo chủ nhiệm đưa con ra gặp tôi. Con thay đổi khá nhiều trong những ngày xa mẹ khiến tôi mường tượng con đã không được chăm sóc chu đáo. Ý nghĩ đó làm lòng tôi đau như xát muối. Mẹ con tôi ôm nhau. Tôi được ôm đứa con bằng da thịt chứ không phải nằm mơ nữa. Đó là một khoảnh khắc hạnh phúc mà tôi không bao giờ quên.” – nhân vật Hằng kể về khoảnh khắc cô gặp lại con kể từ ngày chồng cô mang con đi mất.

Chân dung của ly hôn đặc biệt không gợi ý việc cố gắng níu giữ cuộc hôn nhân không còn hạnh phúc mà chỉ tập trung chỉ ra các vấn đề mà người cha, người mẹ, những đứa con có thể gặp phải; từ đó cha mẹ có cách hành xử phù hợp để vẫn có thể đón nhận hạnh phúc phía trước. Cuốn sách cũng đưa ra một gợi ý quan trọng: hãy nhìn về phía những đứa trẻ, và hình ảnh những đứa trẻ đồng thời là tâm điểm để tác giả phát triển cuốn sách này.

“Những đứa trẻ lớn lên trong sự đổ vỡ của cha mẹ cũng phải trải qua nhiều biến cố, chịu đựng nhiều đau khổ khác nhau. Tổn thương từ đổ vỡ đó có thể được chữa lành, nhưng có thể mãi mãi là nỗi đau cùng những đứa trẻ lớn lên. Kết quả thế nào lệ thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết và cách hành xử của những người bố người mẹ: họ sẽ lựa chọn điều gì và khả năng tái lập cuộc sống của họ đến đâu.” – Tác giả viết.

Khi cùng nhìn về phía những đứa trẻ, cha mẹ sẽ có thể gạt bỏ được lòng tự ái, ích kỷ cá nhân, để có thể hàn gắn lại bản thân mình, sẵn sàng cho hạnh phúc mới. Những câu chuyện được kể ở chương cuối cùng – Lấp lánh, sẽ lấy đi nhiều nước mắt của người đọc, là một minh chứng rằng tình yêu dành cho con trẻ, lòng bao dung, tình yêu thương nói chung, có sức mạnh chữa lành.

Điều đáng ghi nhận nữa là trong quá trình kể lại các câu chuyện, tác giả Chu Hồng Vân đồng thời đặt ra nhiều vấn đề xã hội đáng quan tâm, như sự bảo vệ của luật pháp đối với phụ nữ và trẻ em sau ly hôn chưa mạnh, tầm quan trọng của nhà trường đối với những đứa trẻ có bố mẹ chia tay, hay định kiến xã hội đối với những người ly hôn hóa ra vẫn còn rất nặng nề.

Chân dung của ly hôn là một hành trình làm việc đầy dũng cảm của nhà báo Chu Hồng Vân.

Về tác giả, nhà báo Chu Hồng Vân:

Tốt nghiệp ngành Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Phóng viên lĩnh vực giáo dục tại báo Tuổi Trẻ; Biên kịch các phim truyền hình, chương trình truyền hình

* Giải thưởng:

+ Giải Nhì của Hội Nhà báo TP.Hồ Chí Minh 2014, cùng nhóm phóng viên, biên tập viên báo Tuổi Trẻ - chương trình "Giao lưu 10 giờ".

+ Giải Ba của Bộ Thông tin và truyền thông 2017 về đề tài phòng chống thuốc lá - “Lo ngại cơn sốt hút Vape”.

+ Giải Cánh diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam 2017 cho Biên kịch xuất sắc nhất - phim Lựa chọn cuối cùng.

+ Giải Đặc biệt dành cho phim nước ngoài tại Liên hoan phim Tokyo 2017, phim “Chiều ngang qua phố cũ”, (biên kịch).

+ Huy chương Vàng Liên hoan phim truyền hình Việt Nam 2017 (biên kịch).

*Sách đã xuất bản:

- Cùng con đi qua tuổi teen (đồng tác giả), Nhã Nam, 2018

- Chân dung của ly hôn, Nhã Nam, 2023.

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.