Có mặt tại Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tại Hà Nội đầu tháng 4/2018 sau 282 đi bộ từ TP Hồ Chí Minh ra Bắc, Lê Ngọc Sang đã không giấu nổi niềm hạnh phúc khi trực tiếp đặt bút ký lên để tờ phiếu đăng ký hiến tạng.
Lê Ngọc Sang là người khuyết tật vận động, đi lại khó khăn, cơ thể nhỏ bé yếu ớt; thậm chí cả lời nói Sang cũng rất khó diễn đạt với người đối diện. Thế nhưng, sau khi nghe về câu chuyện của Trần Nguyễn An Khương - một chàng trai Cà Mau chỉ nặng 37kg, cao 1,50m đạp xe xuyên Việt suốt 38 ngày ròng rã qua các tỉnh, TP từ Nam ra Bắc để đăng ký hiến tạng, Lê Ngọc Sang đã nung nấu ý định tiếp nối hành trình đó bằng tất cả đam mê, sức khỏe của mình.
Chàng trai khuyết tật Lê Ngọc Sang |
Cũng là một thành thành viên Câu lạc đi bộ xuyên Việt với An Khương, Lê Ngọc Sang đã cùng với nhóm đi bộ xuyên Việt vận động và tham gia các hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ người nghèo; đồng thời, đi bộ xuyên Việt với mong muốn tiếp nối hành trình của An Khương, đăng ký hiến mô tạng để trao đời sự sống.
“Em muốn nối tiếp hành trình của anh An Khương, người đã đạp xe xuyên Việt để kêu gọi các các hoạt động thiện nguyện và hiến tạng. Thông qua hành trình này, tâm nguyện của em là phải làm điều gì đó để mọi người bên cạnh việc hướng tấm lòng thiện về vùng sâu vùng xa, về đồng bào lũ lụt, cũng sẽ hiểu hơn về hiến mô tạng. Chúng ta cho đi là nhận về, san sẻ sự sống khi mình trở về với cát bụi rồi, em nghĩ điều đó thật ý nghĩa” - Sang tâm sự.
Những khó khăn, trở ngại trong hành trình 282 ngày đi bộ dọc khắp Việt Nam nhiều vô kể. Đối với người khoẻ mạnh để làm được điều này đã là phi thường, với người khuyết tận vận động như Sang quả là điều kỳ diệu.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, Sang chia sẻ: Đã có những lúc em gặp khó khăn khi phải ngủ bờ ngủ bụi, bị trộm điện thoại, bị cướp đồ… nhưng đã quyết tâm rồi, khó khăn thế nào em cũng phải làm cho bằng được.
Không những thế, việc làm “gàn dở”, chẳng giống ai của Sang gặp phải sự chê cười của bạn bè. Người nói Sang khùng, người kêu Sang điên… nhưng Sang vẫn quyết tâm thực hiện. Sang cho biết, “bạn bè của em trong nhóm bán vé số cho đó là điều khùng, điên, không lo làm ăn lại lo đi bộ. Bố mẹ em không biết em đi bộ mãi đến khi ra Hà Nội mới biết, bố mẹ cũng không đồng ý nhưng mà em đã quyết thì em vẫn làm, bởi điều thiện là tự tâm”. Sau khi đăng ký hiến tạng tại Hà Nội, Sang dự định sẽ tiếp tục về quê Thái Bình để gặp các bạn khuyết tật ở quê, truyền lửa cũng như niềm tin vào cuộc sống cho các bạn.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể bày tỏ: Việc đăng ký hiến tạng tiếp nối sự sống của Sang rất đáng trân trọng. Điều này cho thấy nghĩa cử hiến tặng sự sống đã được lan tỏa. Với một thanh niên không trọn vẹn nhưng Sang đã dám vượt hành trình xuyên Việt đầy gian nan, đó là một minh chứng bất kỳ ai khi có quyết tâm cũng làm được điều phi thường. Ngọc Sang là người thứ ba xuyên Việt có mặt tại Trung tâm này.
“Việc tử tế đang được lan tỏa, đặc biệt là sau câu chuyện đầy xúc động của bé Hải An và người lính tình nguyện hiến tạng cứu người. Những hành động nhân văn, tử tế này đã lan tỏa trong cộng đồng, mở ra một dòng chảy văn hóa tận hiến của người Việt. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng tương lai tốt đẹp của ngành ghép tạng Việt Nam. Với sự lan tỏa này, chắc rằng trong tương lai sẽ đủ nguồn tạng hiến”, ông Phúc cho biết.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, với sự lan toả ấy nên số người đăng ký hiến tạng tăng dần qua các năm. Nếu năm 2003 còn chưa có ai đăng ký hiến tặng mô tạng, thì năm 2004 có 235 người đăng ký. Đến năm 2017, có hơn 11.853 người và đến nay có số này đã lên 14.458 người đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi chết não.