Ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra một tuyên bố cứng rắn về căng thẳng giữa Nga và Ukraine: bất kỳ sự di chuyển nào của các đơn vị Nga qua biên giới Ukraine sẽ bị coi là một cuộc xâm lược, và Nga sẽ phải chịu những đòn trừng phạt nặng nề về kinh tế từ Mỹ và châu Âu nếu điều đó xảy ra.
Tuy nhiên, ông Biden đã rút lại tuyên bố của mình sau cuộc họp giữa Mỹ và các đồng minh cùng với Nga tại Đức hôm nay (21/1). Tham dự cuộc họp có Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov và nhiều nhà ngoại giao khác đến từ châu Âu.
Theo New York Times, tại cuộc họp trên, nhiều nhà ngoại giao châu Âu vẫn đang do dự về việc trừng phạt Nga, mặc dù cho rằng đó là điều "hiển nhiên". Theo các nhà phân tích, đó có thể là một trong những dấu hiệu của sự chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu - mục tiêu chính của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Điều này có thể thúc đẩy nhà lãnh đạo Nga tiến hành một cuộc tấn công nhỏ, nhưng vẫn gây tổn hại lớn vào Ukraine.
"Đang có những quan điểm khác biệt giữa các thành viên của NATO, về những gì họ có thể làm, và mức độ tham gia của họ vào vấn đề Nga - Ukraine," Tổng thống Mỹ Joe Biden nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Reuters) |
Trước công chúng, các quan chức hàng đầu châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phủ nhận tin đồn về sự chia rẽ. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, "không có việc Mỹ đang bật đèn xanh cho Nga tấn công Ukraine". Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói rằng, các nước cũng châu Âu có “cam kết nhất trí rõ ràng” về việc trừng phạt Nga nếu họ tấn công Ukraine.
Tuy vậy, trong quá khứ, các nước châu Âu thường không nhất quán về hành động. Sau khi Nga sát nhập Crimea vào lãnh thổ, phải mất gần 1 năm để châu Âu áp đặt những biện pháp trừng phạt với Moscow.
Tình trạng hiện nay có vẻ cũng không khác là bao. Đức không cam kết dừng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD, một dự án chung của Nga và Đức. Mỹ lo ngại dự án này sẽ khiến châu Âu phải phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga nhiều hơn, từ đó tạo cho Nga một đòn bẩy chính trị đáng gờm tại châu Âu. Ngay cả nội bộ chính phủ Đức cũng đang bị chia rẽ bởi vấn đề này: Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Đức Olaf Scholz ủng hộ việc tiếp tục dự án Nord Stream 2, trong khi Đảng Xanh phản đối kịch liệt.
Và vào hôm 19/1 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi các nước châu Âu cần phải có quan điểm riêng về vấn đề an ninh tại khu vực, rồi sau đó "đề xuất và đàm phán với Nga." Tuyên bố của ông Macron đã làm nhiều nước EU bất ngờ. Mặc dù ông Macron trấn an rằng "không có ý định chia rẽ NATO", nhưng rõ ràng những gì ông nói đã hé lộ một vài xích mích trong EU - và đó là một tin tốt cho Nga.
Đức và Pháp không phải không có lý do khi làm vậy. Bởi nếu trừng phạt Nga, nền kinh tế châu Âu sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn nền kinh tế Mỹ. Khoảng 40% lượng khí đốt và 25% lượng dầu mỏ của châu Âu đến từ Nga.
Hiện châu Âu, NATO và Mỹ vẫn đoàn kết trong kế hoạch trừng phạt Nga, nhưng chưa bên nào tuyên bố cụ thể rằng mình sẽ làm gì.