Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thế Chính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) cho biết, sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và Vật lý có thể tạo ra những bước tiến vượt bậc trong nghiên cứu khoa học. Trong tương lai, AI tiếp tục giúp tối ưu hóa các quy trình khoa học; Vật lý sẽ đóng vai trò làm nền tảng để phát triển những ứng dụng AI thông minh. Do đó, việc tích hợp AI vào giảng dạy Vật lý là cần thiết để tạo ra một thế hệ nhà khoa học liên ngành, sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong tương lai.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh nội dung về ứng dụng AI trong nghiên cứu và giảng dạy Vật lý như: Nguyên lý cơ bản của AI và Machine Learning; các ứng dụng AI tiêu biểu trong Vật lý; ứng dụng AI trong mô phỏng các hệ thống phức tạp, phân tích dữ liệu thực nghiệm; tự động hóa các phép tính toán lý thuyết và thực nghiệm trong Vật lý, sử dụng AI để thiết kế bài giảng trực quan, hấp dẫn; phát triển các công cụ học tập cá nhân hóa dựa trên AI; tích hợp AI trong việc đánh giá và hỗ trợ sinh viên...
Các đại biểu cho rằng, AI sẽ đem lại giá trị lớn cho Vật lý trong việc thiết kế vật liệu mới. Vật lý cũng đóng góp vào sự phát triển của AI thông qua Memristor, tạo ra các mạng neuron nhân tạo phần cứng, giúp AI trở nên hiệu quả và gần gũi hơn với não bộ con người. Việc tích hợp AI vào giảng dạy Vật lý là cần thiết để tạo ra một thế hệ nhà khoa học liên ngành, sẵn sàng đối mặt với những thách thức của tương lai.
Hội thảo “Ứng dụng AI trong nghiên cứu và giảng dạy Vật lý” là một trong những hoạt động chính trong khuôn khổ Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc lần thứ XXVI - năm 2024 diễn ra từ ngày 28/11 đến ngày 1/12/2024 tại tỉnh Thái Nguyên. Đây là cơ hội để các trường đại học, học viện trong cả nước đẩy mạnh phong trào thi đua nghiên cứu khoa học, đặc biệt là triển khai ứng dụng AI vào các cấp học./.