HDTC về tay ông Đinh Trường Chinh như thế nào?
Năm 1984, UBND TP.HCM thành lập Công ty Phát triển nhà ở, sau đó đổi tên thành Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) 100% vốn Nhà nước, trực thuộc Công ty mẹ là Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco), vốn điều lệ là 52 tỷ đồng. Năm 2015, UBND TP phê duyệt phương án và chuyển Công ty TNHH MTV HDTC thành Công ty Cổ phần HDTC.
Chủ trương của UBND TP là chỉ giữ lại 30% vốn điều lệ. Số cổ phần bán ưu đãi cho người lao động của Công ty HDTC khoảng 0,32%. Số cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược chiếm 34,79% vốn điều lệ. Còn lại 34,89% cổ phần sẽ được bán đấu giá công khai cho nhà đầu tư thông thường.
Đầu năm 2016, TP có bản số 99/UBND-CNN về việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, nêu ý kiến: “Chấp thuận đề xuất của Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp và Ban Chỉ đạo cổ phần hoá chọn nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần của Công ty TNHH MTV HDTC khi thực hiện cổ phần hoá như sau: Nhà đầu tư chiến lược là Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân, số lượng cổ phần bán 78.000.000 cổ phần (chiếm 34,79% vốn điều lệ)”.
Kết quả lần đầu tiên bán cổ phần vào tháng 1/2016 có một tổ chức và 26 cá nhân trúng giá. Tất cả hơn 78.200.000 cổ phần ban đầu được mua hết, thu về hơn 782 tỷ đồng. Sau đó, nhiều nhà đầu tư cá nhân khác tham gia vào quá trình mua bán cổ phần của Công ty HDTC. Tổng số lượng cổ phần đã phát hành là 224.190.000 cổ phần, tương đương hơn 2.240 tỷ đồng.
Thông tin về quá trình hình thành và chuyển đổi của Công ty HDTC. |
Cuối năm 2016, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt Công ty HDTC số tiền 7,5 triệu đồng do nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định.
Đến ngày 29/4/2016, Công ty Cổ phần HDTC chính thức được thành lập, địa chỉ đặt tại 36 Bùi Thị Xuân, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM. Vốn điều lệ là hơn 2.240 tỷ đồng. Đến cuối năm 2016, ngoài 30% vốn Nhà nước giữ nguyên (khoảng 672 tỷ đồng) thì 70% cổ phần còn lại có sự thay đổi lớn. Trong đó: Công ty Việt Hân tăng lên chiếm hơn 52% (trước đây là 34,79%), tương đương hơn 1.164 tỷ đồng; cá nhân ông Đinh Trường Chinh sở hữu hơn 8,8% (hơn 197 tỷ đồng); bà Đinh Ngọc Châu Hương (em gái ông Chinh) giữ hơn 8,6% (hơn 192 tỷ đồng) và khoảng 180 cổ đông cá nhân khác giữ gần 0,4% (gần 9 tỷ đồng). Ông Đinh Trường Chinh được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT kể từ ngày thành lập.
Đáng chú ý, Nhà đầu tư chiến lược là Công ty Việt Hân do ông Đinh Trường Chinh sáng lập từ năm 2006, là Chủ tịch HĐQT và điều hành. Các tài liệu được công bố công khai trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy vào thời điểm trước tháng 9/2016, ông Đinh Trường Chinh vẫn đang là Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Hân và em gái Đinh Ngọc Châu Hương cũng giữ chức Tổng Giám đốc công ty này.
Các thông tin thể hiện, kể từ lúc được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần HDTC ngày 29/4/2016 đến tháng 9/2016, ông Đinh Trường Chinh vẫn đang là Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Hân. Bằng cách này, Công ty Việt Hân của ông Đinh Trường Chinh và bà Đinh Ngọc Châu Hương đã hoàn tất thương vụ “thâu tóm” Công ty HDTC, chiếm tổng tỷ lệ khoảng 69,4% cổ phần.
Kể từ tháng 10/2016, tức sau khi “thâu tóm” thành công Công ty Cổ phần HDTC, ông Đinh Trường Chinh và bà Đinh Ngọc Châu Hương không còn xuất hiện trong danh sách HĐQT và Lãnh đạo Công ty Việt Hân. Sang năm 2017, tỷ lệ cổ phần của Công ty Việt Hân tại HDTC giảm từ hơn 52% xuống còn 34,79%, còn ông Đinh Trường Chinh tăng từ 8,8% lên hơn 26%. Những cổ đông khác giữ nguyên. Đến giữa năm 2018, Công ty Việt Hân biến mất trong danh sách cổ đông, thay vào đó là Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Bất động sản FR, chiếm 34,79% cổ phần.
Đến giữa năm 2018, Công ty Việt Hân biến mất trong danh sách cổ đông, thay vào đó là Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Bất động sản FR, chiếm 34,79% cổ phần. |
Công ty FR vào năm 2016 có vốn điều lệ là 1.200 tỷ đồng do ông Đinh Trường Chinh làm Chủ tịch HĐQT. Sau đó, bà Đinh Ngọc Châu Hương làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật vào năm 2018 – thời điểm Công ty FR ẵm trọn 34,79% cổ phần từ Công ty Việt Hân. Tính đến thời điểm tháng 6/2018, Công ty FR, ông Đinh Trường Chinh và bà Đinh Ngọc Châu Hương sở hữu xấp xỉ 70% cổ phần tại HDTC. Với 70% này, gia đình ông Đinh Trường Chinh toàn quyền đưa ra các quyết định tại Công ty Cổ phần HDTC. Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn giữ 30%, không chi phối và cũng không có quyền phủ quyết. Kể từ đó đến nay, thông tin về vốn đầu tư của chủ sở hữu Công ty Cổ phần HDTC chưa được công bố.
Trong cơ cấu HĐQT 5 người của Công ty Cổ phần HDTC năm 2020 thể hiện có đến 4 nhân vật mang họ Đinh: Ông Đinh Trường Chinh là Chủ tịch, bà Đinh Thị Thuỳ Hương, Đinh Ngọc Thiên Hương, Đinh Chí Minh là Thành viên HĐQT, người còn lại là Phạm Quốc Trung.
HDTC mang đất đã bán đi cổ phần hoá?!
Theo các quy định hiện hành, sau khi cổ phần hoá thành công, Công ty Cổ phần HDTC kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của Công ty TNHH MTV HDTC 100% vốn Nhà nước, đồng nghĩa với việc tiếp tục thực hiện dự án KĐT An Phú An Khánh đúng theo chủ trương, quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 1998-1999, những thoả thuận, văn bản, giấy tờ, hợp đồng kinh tế... mà Công ty HDTC 100% vốn Nhà nước đã ký kết với người dân, trong đó có việc bàn giao nền đất... Thế nhưng, không chỉ chưa được giao đất mà người dân còn phát hiện tài sản (là nền đất) của bản thân đã bị HDTC gom đi cổ phần hoá từ lúc nào không hay?!
Quá trình đi đòi quyền lợi, người dân phát hiện các nền đất đã bị HDTC gom đi cổ phần hoá?! |
Theo các tài liệu mà Ngày Nay có được, đơn cử như trường hợp của ông Trần Công Thành đề nghị bàn giao nền đất số 624 Khu B. Ngày 27/10/2017, ông Trần Quốc Hoàn – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần HDTC ký văn bản số 738/CV-2017/HDTC phúc đáp: “...Một phần nền vẫn bị vướng đền bù giải toả. Hiện nay, Công ty vẫn chưa hoàn tất quyết toán chuyển thể doanh nghiệp, trong đó có việc giải quyết tồn đọng trong giai đoạn Công ty Nhà nước vướng... Trong thời gian chờ kết luận giải quyết của cơ quan thẩm quyền... Công ty chưa thể bàn giao nền đất số 624...”.
Đến ngày 30/11/2017, ông Trần Quốc Hoàn tiếp tục ký văn bản số 796/CV-HDTC báo cáo Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn về trường hợp kể trên. Trong đó có đoạn: “Trước đây, tại thời điểm chuyển nhượng đất nêu trên, Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Đến ngày 29/4/2016, Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà (100% vốn Nhà nước) đã chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (Nhà nước không chi phối). Giá trị và chi phí đầu tư đối với những nền đất Công ty đã chuyển nhượng trong giai đoạn 100% vốn Nhà nước nhưng chưa bàn giao cho khách hàng (trong đó có nền 624 của khách hàng Trần Công Thành) được tính vào tài sản giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá”.
Mặc dù Công ty Cổ phần HDTC nói rằng đang cố gắng xử lý vấn đề quyết toán chuyển thể doanh nghiệp để sớm bàn giao nền đất cho người dân. Nhưng theo tài liệu mà phóng viên có được tại văn bản số 5738/STC-Ttra ngày 8/9/2020, nêu: “Hiện nay, Sở Tài chính (Chi cục Tài chính doanh nghiệp) chưa nhận được hồ sơ quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của Ban Chỉ đạo Cổ phần hoá Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà”.
Vài ngày sau, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn có văn bản số 1648/CV-TCT nêu ý kiến: “Việc chưa bàn giao công ty cổ phần, chưa hoàn tất công tác quyết toán chuyển chủ thể do chưa nhận được ý kiến thẩm định giá đất của cơ quan chức năng đã được Ban chỉ đạo Cổ phần hoá báo cáo UBND TP... Mặt khác, theo quy định về nguyên tắc kế thừa quyền và nghĩa vụ của công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước quy định tại Điều 10 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 (Điều 10 Nghị định thay thế số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) thì công ty cổ phần kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp cổ phần hoá đã bàn giao và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế, mặc dù chưa chính thức bàn giao nhưng Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà đã sử dụng tài sản để tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Trên nguyên tắc đó, đề nghị Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà kế thừa quyền và nghĩa vụ đối với hợp đồng kinh tế giữa Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà và khách hàng Trần Công Thành và trực tiếp giải quyết khiếu nại của khách hàng theo quy định”.
Người dân đã mua nền đất gõ cửa cầu cứu khắp nơi nhưng chưa thành. |
Mặc dù Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn đã có văn bản nêu rõ nhưng Công ty Cổ phần HDTC vẫn “ậm ừ”, chây ì giải quyết khiến tập thể người dân vô cùng bức xúc: “...Khi UBND TP.HCM phê duyệt chủ trương cổ phần hoá, Công ty TNHH MTV HDTC 100% vốn Nhà nước đã ký hợp đồng bán nền đất cho chúng tôi và đã thu tiền theo tiến độ, có nhiều trường hợp đã nộp 50% - 80%, nhiều người đã nộp 95% - 100% nhưng chưa được bàn giao nền. Sau đó, khi tiến hành cổ phần hoá đã đưa giá trị và chi phí đầu tư đối với các nền đất của chúng tôi tính vào giá trị doanh nghiệp....
Như vậy, khi UBND TP thực hiện cổ phần hoá Công ty TNHH MTV HDTC đã đem bán luôn quyền lợi của chúng tôi. Từ đó, Công ty Cổ phần HDTC đã lợi dụng để chiếm đoạt tài sản của chúng tôi và nhiều người dân vô tội khác đã mua nền đất tại dự án từ những năm 2000... Kể từ sau khi cổ phần hoá, Công ty Cổ phần HDTC đưa ra nhiều lý do bất hợp lý và vô căn cứ từ chối nghĩa vụ bàn giao nền đất... Ông Đinh Trường Chinh còn ngang ngược và bội tín khi tuyên bố đơn phương chấm dứt hợp đồng với hàng loạt khách hàng đã mua nền đất cách đây hơn 20 năm...”.
Ngày 15/7/2022, trao đổi với Phóng viên Ngày Nay, đại diện Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn (Resco - đơn vị đại diện 30% vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần HDTC) cho biết, bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chánh văn phòng Resco phản hồi: “Dự án này do bên HDTC làm chủ đầu tư. Hai đơn vị hạch toán độc lập và Resco chỉ giữ 30% cổ phần nên không quyết được gì cả...” và đề nghị Phóng viên hỏi bên HDTC để có thông tin rõ hơn.
Trước đó, ngày 10/7/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn. Hiện các dấu hiệu sai phạm chưa được công bố cụ thể.
“Chiêu trò” của HDTC tại KĐT An Phú An Khánh - Bài 4: “Đòi” mua lại đất rồi đơn phương chấm dứt hợp đồng