Để giúp trẻ tăng sức đề kháng, tăng khả năng chống chọi với các yếu tố bất lợi từ môi trường, gia đình nên bổ sung các dinh dưỡng từ:
Rau và trái cây
Rau và trái cây cung cấp đa dạng dưỡng chất, bổ sung nước, vitamin và các khoáng chất cho cơ thể. Ăn trái cây thường xuyên giúp tăng khả năng miễn dịch cho trẻ, tránh mắc các bệnh thông thường. Nên cho trẻ ăn bưởi, dưa hấu, nho, cam, rau dền, rau ngót, rau muống và các loại rau lá xanh thẫm.
Sữa chua hàng ngày
Sữa chua chứa vi khuẩn probiotics chống lại các vi khuẩn có hại và virus. Mẹ cho bé ăn sữa chua hằng ngày để tăng sức đề kháng, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh, ngăn ngừa táo bón.
Trẻ từ sáu tháng tuổi trở lên đã có thể ăn sữa chua. Mẹ hãy căn cứ vào sở thích cũng như giai đoạn phát triển của trẻ để cung cấp lượng sữa chua phù hợp.
Ngoài ra, nên đảm bảo cho bé ngủ đủ giấc. Giấc ngủ không những ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ mà còn giúp tăng sức đề kháng. Ngủ đủ giấc thì bé sẽ chơi ngoan, ăn khỏe và ít quấy khóc. Tùy từng giai đoạn mà số giờ ngủ của trẻ thay đổi: Trẻ sơ sinh ngủ 18 tiếng mỗi ngày, bé đang tuổi tập đi cần ngủ 12 đến 13 giờ, trẻ mẫu giáo ngủ 10 giờ.
Đảm bảo vệ sinh thân thể cho bé sạch sẽ mỗi ngày. Trẻ nhỏ thường thích khám phá mọi thứ xung quanh nên tay chân bị lấm bẩn. Khi đó, vi khuẩn dễ xâm nhập vào cơ thể của bé gây các bệnh về tiêu hóa, hô hấp. Mẹ cần thường xuyên để ý và vệ sinh tay chân, mặt mũi trẻ để loại bỏ vi khuẩn gây hại.
Quan trọng hơn, hãy tạo cơ hội để bé vận động nhiều hơn giúp tuần hoàn máu tốt, tăng sức đề kháng và khả năng miễn dịch.