Chợ lùi: độc đáo Hà Giang

(Ngày Nay) - Tôi có 1 anh bạn, người Đức, nhiếp ảnh gia, tên là Micheal. Để tiện, tôi toàn gọi là Cơn. Một ngày mùa hè mấy năm trước, bỗng nhiên Cơn gọi cho tôi từ Đức, bảo dẫn tao đi Đồng Văn, nửa tháng. Đang rảnh rỗi, với lại dù đi nhiều như cơm bữa nhưng vẫn muốn đi, tôi đồng ý liền.
Một góc chợ lùi
Một góc chợ lùi

Một hôm chúng tôi trọ ở 1 nhà người Mông thôn Lũng Thầu, tên chủ nhà là Vừ Nố Séng hay Seng hay Sẻng gì đó, không phải tôi quên mà quả thật anh chủ nhà nói tiếng phổ thông chưa sõi lại líu lưỡi vì rượu ngô làm tai tôi đâm ra nghễnh ngãng.

Cơm nước xong, chúng tôi thấy Séng lúi húi ra vườn bắt 1 em gà chừng hơn cân, buộc chân để góc nhà. Vợ Séng thì cứ lôi hết váy lại giày ra ngắm nghía. Cơn thì thào, này, nhẽ mai nhà nó có gì hay lắm. Hai đứa mình ở lại tham dự chụp ảnh nhé. Tôi hỏi, Séng cười, bảo mai nhà tao xuống chợ Xà Phìn, mày mới thằng Tây đi không?

Trời tang tảng tầm 4 giờ, chúng tôi theo vợ chồng Séng xuống chợ. Đường mòn qua những nương ngô mịt mờ hơi sương, và lạnh như mùa đông miền xuôi. Vợ Séng tung tăng khoác quẩy tấu có đôi mớ cải, áo kim tuyến lóng lánh, váy xòa hoa mười màu, đi đôi giày đỏ đi đầu. Séng ôm con gà đi sau. Chúng tôi đi sau rốt.

Đường xuống chợ dài hàng chục cây số, ra đến cái quan chúng tôi gặp thêm từng tốp, từng tốp. Lớn nhỏ ai cũng mặc đẹp, cười tươi. Có bác còn dắt theo con bò to. Có chị thì gùi mấy em lợn bé tí kêu ụt ịt suốt. Lũ trẻ vừa cười vừa đuổi nhau tiếng vang cả vách núi.

Chợ lùi: độc đáo Hà Giang ảnh 1Chợ như vườn hoa đủ màu sắc, ai cũng mặc đẹp và tươi cười...

Đến nơi, nắng vừa lên, từ trên cao, nhìn chợ như vườn hoa đủ màu sắc, từng dòng người từ các đường mòn tỏa xuống như những cánh hoa bay trong sương sớm.

Vào chợ, Cơn như hóa người khác, y luôn mồm Đôn ơi Đôn ơi, đẹp quá, thích quá, hay quá. Tôi bảo khổ bỏ xừ. Cơn bảo mày nhầm rồi, mày nhìn kìa. Họ không có máy ảnh, không có xe đẹp, không có áo xịn như tao với mày, nhưng ai cũng cười. Tao với mày mới khổ.

Ơ cái thằng.

Chơi vòng quanh hết hàng vải, sang hàng rượu, xem chổi cao lương, xem đan quẩy tấu, nhấm bánh quẩy chiên… và chụp ảnh chán chê, tôi gặp Chứ, chồng em Chở -cháu bốn đời Vua Mèo mà chúng tôi toàn gọi đùa là “công chúa”. Chứ lôi tôi vào quán rượu. Một cái bàn thấp tè, dăm cái ghế băng cũ kỹ, một hàng rượu ngô bày sẵn cạnh nồi thắng cố sôi lịch bịch. Chứ bảo, uống nhé, em có rượu hay lắm, em mời.

Vòng qua vòng lại, cứ thi thoảng lại 1 anh Mông rít một khói thuốc lào, đứng dậy rút tiền, mua 1 chai rượu rồi rót cho cả bàn, trong những cái chén đít bằng to như cái bát con. Hình như tôi cũng gọi cho cả bàn đôi bát thắng cố.

Tôi chả biết ai, ngoài Chứ, và sau có Séng tham gia nữa, nhưng chúng tôi chén chú chén anh đến tận chiều tà. Bỗng đâu Cơn phi xe máy đến, bảo tao theo vợ Séng về tận nhà lấy xe, cùng nó ra đón chồng với mày đây này.

Tôi say đến tận ngày hôm sau.

Văn hóa chợ vùng cao

Nhiều người từng nghe rằng lên Hà Giang mà chưa từng ghé một phiên chợ, thì chưa thành người miền biên viễn được đâu.

Thăm Cao nguyên đá Đồng Văn, chơi phiên chợ cổ Đồng Văn để thấm hồn văn hóa người vùng cao, để hòa vào những ồn ào, náo nhiệt bán mua, để say tiếng khèn và mơ màng men rượu ngô, và rồi để nghe những tâm sự chân chất mộc mạc của lão nông bán điếu, anh chàng bán quẩy tấu… hay lơ đễnh nhìn khói lam phơ phất từ nồi thắng cố lan man trên những mái ngói âm dương bạc màu thời gian.

Chợ lùi: độc đáo Hà Giang ảnh 2

Nhiều người còn nói, chỉ một lần dự phiên chợ tình phong lưu Khau Vai, Sơn Vĩ, nơi những người tình cũ gặp nhau trong thương nhớ, thì mới thấy dường như mình vẫn chưa biết yêu bao giờ. Vợ chồng cùng đi mà đến chợ lại chia tay nhau để đi gặp người yêu cũ không một chút ghen tuông. Những nỗi niềm yêu của người xứ núi vừa đậm đà, kín đáo, vừa bải lải quấn quện như khói lam chiều trên góc núi xa. Nó vừa hiển hiện như ta sờ vào được, nó lại mơ hồ như chẳng thấy đâu đây. Người ta tôn trọng quá khứ thật nhẹ nhàng, và thật tinh hoa. Chợ tình chẳng ai bán mua, thậm chí chả thấy chợ, mà hễ mỗi năm đi về tình trong tâm lại đong đầy như thêm cân thêm lạng.

Chợ lùi: độc đáo Hà Giang ảnh 3

Nhưng tất thảy những văn hóa chợ phiên ấy đều được hình thành, bồi đắp từ văn hóa nhiều đời, nhiều tầng, trải qua trăm năm, thành một thứ văn hóa chợ, mà nhiều nhà nghiên cứu văn hóa gọi là “chợ lùi”. Chợ lùi là nơi phảng phất mọi nhịp sống và hơi thở núi đá vùng cao Hà Giang.

Phiên họp chợ lùi

Thuở xưa, mọi phiên chợ vùng cao đều họp phiên vào một ngày cố định, nhưng hoàn toàn không theo dương lịch mà chúng ta hay dùng. Mà có phiên, như chợ phong lưu Khau Vai, chợ tình Sơn Vĩ chỉ họp một phiên duy nhất một năm, hoặc tỉ cố định các ngày 5-10-15-20-25-30 âm lịch hàng tháng như chợ Tùng Vài, lại có chợ họp vào các ngày con giáp, cứ sáu ngày một bận, và khi so với lịch hàng tuần, ngày họp chợ cứ lùi từng ngày một.

Sau này, do ảnh hưởng bởi lịch làm việc trong tuần, một số chợ, đặc biệt là các chợ trung tâm huyện lỵ, nơi tập trung nhiều cán bộ công chức, hoặc nơi nhiều chiến sĩ biên phòng, chợ dịch ngày cố định vào thứ Bảy, Chủ nhật.

Chợ lùi: độc đáo Hà Giang ảnh 4Chợ bò bán tất thảy những giống gia súc nhà nông nuôi nấng, từ bò, dê, lợn đến chó, gà

Đặc biệt hơn, có những chợ vùng sát biên, nơi có cả người Mông 2 bên biên giới tham gia có địa điểm họp có thể gọi là độc nhất vô nhị: Cứ một phiên họp ở Việt Nam thì phiên sau họp bên phía Trung Quốc. Hoặc có chợ họp xuyên biên giới, biên phòng 2 nước phải ra làm nhiệm vụ ngay tại chợ.

Và có những thứ “chợ trong chợ”, buôn bán những mặt hàng độc đáo vô cùng. Bạn đã bao giờ nghe đến chợ bò Mèo Vạc chưa? Chợ bò bán tất thảy những giống gia súc nhà nông nuôi nấng, từ bò, dê, lợn đến chó, gà, nhưng con bò vàng vốn như là máu thịt người vùng cao, nên chợ vang danh vì thế.

Đến chợ chơi

Nét văn hóa “chơi” chợ xuất phát từ mọi vùng thôn quê xứ Việt này. Khác với xứ đạo, xứ phật… nơi người ta còn có lễ nhà thờ, có chùa, có đình làng, có giếng nước cây đa, ở đây nơi giao lưu văn hóa chính chỉ có mỗi chợ. Nên thế chả ngoa mà nói chợ là chốn thấm đẫm văn hóa vùng cao nhất. Mua bán dường như là thứ yếu ở phiên chợ lùi, dù rằng tấp nập lắm. Dường như mọi hoạt động ở đây phục vụ chính yếu cho việc giao lưu.

Thế nên chẳng lạ xuống chợ mà chẳng mang gì, hoặc thảng chỉ ôm theo một chú gà nhép làm lộ phí “ăn chơi”. Hay đi chợ mà về say lướt khướt, quẩy tấu chỉ còn tấm bánh nhỏ cho trẻ con ở nhà.

Thế nên chả lạ khi đi chợ mà lại các khèn, để nhảy múa ca vũ, chứ chẳng để bán mua.

Thế nên chả lạ là ngày chợ lại mặc váy đẹp như Tết vào mùa, bận áo mới như đi đám cưới, dận giày xinh như chưa có chồng. Nụ cười sáng lên như thuở mười ba.

Chợ lùi: độc đáo Hà Giang ảnh 5

Người làm nông vùng cao, do đặc điểm địa lý canh tác, ở rất xa nhau. Hai nhà 2 bên triền núi nhìn thấy nhau, gọi được nhau nhưng đi cả ngày chưa đến. Nơi gặp gỡ chân tình chia sẻ còn mỗi phiên chợ lùi. Ấy vậy mà hay, phiên chợ làm hàng xóm gặp nhau bên bát rượu ngô cứ mừng mừng tủi tủi, khoác vai nhau kể chuyện mùa ngô mà như nói chuyện trăm năm. Vùng cao cái gì cũng khó, đất khó, nước khó, trời khó… vậy mà mỗi tình lại sẵn. Ai từng đi qua một bàn nhậu ngay cạnh đường trên vùng cao, được kéo tay vào bàn nhậu dù chả biết ai là ai mới hiểu.

Thế nên tan chợ vùng cao người ta lưu luyến lắm, thề hẹn lắm. Nhìn cảnh dứt lên đi về rồi lại ngồi xuống dăm bảy bận, nhẽ những anh chị công chức miền xuôi phải phì cười.

Ăn chợ

Vốn chợ là chốn chơi, nên thứ ăn cũng phần lớn dành cho vui vẻ. Người nhà nông trồng cấy tự túc cả, thứ phải mua đôi khi chỉ là cân muối, cái đèn. Nên phong phú nhất phiên chợ vẫn là áo quần, tấm quà thức bánh. Ẩm thực nơi đây đậm chất phong vị biên cương núi cao. Cũng cái bánh tam giác mạch ấy, cũng chén rượu ngô men lá ấy, mà sao mua về nhà, đem về xuôi bỗng nhạt thếch vô vị. Về ăn thắng cố ngựa tận thành phố Hà Giang, mà sao nhìn chẳng ngon lành bằng chảo thắng cố đặt giữa chợ quê?

Chợ lùi: độc đáo Hà Giang ảnh 6

Từ ngày du khách lên nhiều, thịt cá rau mới đem đến chợ lắm. Chứ khi xưa, hàng hóa chủ yếu là nhu yếu phẩm phục vụ sản xuất và đồ ăn chơi. Nhiều thứ quà bánh người Hoa vẫn làm, khi xưa bé gặp suốt, giờ như bỏ hết phố thị mà về tập trung nơi chợ lùi vùng cao.

Phiên chợ nhớ thương

Chợ nông sản, nên mùa đông vui rộn ra nhất là lúc nông nhàn. Ấy là vào mùa Cao nguyên "khát nước", từ tận tháng 9 đến hết tháng 3 âm lịch sang năm. Thích thú thay, đó lại trùng mùa hoa, mùa tết và mùa lễ hội.

Tôi có lần may mắn tham gia cùng một diễn đàn của các phượt thủ, tổ chức một phiên chợ giao lưu cuối năm giữa du khách và bà con, dường như có tên là “phiên chợ cuối năm”. Ký ức đẹp đến giờ vẫn hiển hiện. Các bạn ấy đi du lịch rất văn hóa. Khi hòa mình vào đời sống vùng cao, nhận và trao ắp đầy tình cảm. Đến giờ, lên vùng cao, không ít người nhớ mặt tôi vẫn hỏi: Bao giờ thằng mày lại đến chơi?

Tôi luôn thầm hứa, sẽ, nay mai thôi.

Danh sách chợ và ngày họp để bạn tham khảo khi dựng lịch trình du lịch:

Khu vực Đồng Văn:

Chợ Đồng Văn - sáng chủ nhật - có cả chợ bò.

Chợ Sủng Trái - họp các ngày Sửu và Mùi.

Chợ Lũng Phìn - họp các ngày Dần và Thân.

Chợ Phố Cáo - Họp vào ngày Thìn và Tuất.

Chợ Xà Phìn (Nhà Vương) - họp các ngày Tỵ và Hợi.

Chợ Ma Lé - Họp các ngày Tý và Ngọ.

Chợ Lũng Cú - Họp các ngày Mùi và Sửu.

Chợ Phó Bảng - Họp vào ngày Ngọ và Tý.

Khu vực Quản Bạ:

Chợ huyện Thị trấn Tam Sơn - sáng thứ Bảy.

Chợ Cao Tả Tùng (phiên chợ của 3 xã Cao Mã Pờ, Tả Ván, Tùng Vài) - họp thứ Sáu.

Chợ Tùng Vài - 5 ngày một phiên theo lịch âm các ngày 5,10,15,20,25,30.

Chợ Quyết Tiến - sáng thứ Bảy.

Chợ Tráng Kìm (thuộc xã Đông Hà) - họp các ngày Mùi và Sửu.

Chợ Nghĩa Thuận - Họp các ngày Thìn và Tuất - phiên trước ở Việt Nam thì phiên sau ở Trung Quốc.

Khu vực Yên Minh:

Chợ  Yên Minh - sáng Chủ nhật.

Chợ Bạch Đích - Có 2 phiên chợ mỗi tuần là chợ cửa khẩu Bạch Đích hay chợ cột Mốc 9 (Mốc 358 mới) - họp sáng chủ nhật ngay giữa biên giới và chợ bản Muồng họp vào thứ Bảy.

Chợ Du Già - họp sáng thứ 6.

Chợ Đường Thượng - họp sáng thứ 6.

Chợ Mậu Duệ - họp vào sáng chủ nhật.

Chợ Sủng Tráng - họp vào sáng chủ nhật.

Khu vực Mèo Vạc:

Chợ Mèo Vạc - họp sáng Chủ nhật - có chợ bò.

Chợ Niêm Sơn - họp 5 ngày một phiên theo lịch âm các ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30.

Chợ Khau Vai - họp 5 ngày mọt phiên theo âm lịch các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27. 

Chợ Sủng Trà - họp ngày thứ Bảy.

Chợ Sơn Vĩ - họp vào sáng Chủ nhật.

Đặc biệt: Chợ tình Khau Vai họp 1 năm 1 lần vào ngày 27/3 âm lịch, chợ tình Sơn Vĩ một năm 1 lần vào ngày 28/3 âm lịch.
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.