Chớm hè, bệnh tay - chân - miệng tăng đột biến

(Ngày Nay) - Hơn 3 tháng đầu năm, khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) tiếp nhận điều trị cho 100 ca tay – chân – miệng. Đặc biệt, trong 3 ngày gần đây, đã có tới 15 trường hợp mắc bệnh vào nhập viện nội trú. Không ít trẻ trong số đó đã từng hơn một lần bị “dính” bệnh này.
Chớm hè, bệnh tay - chân - miệng tăng đột biến

Trẻ 14 tháng đã hai lần “dính” tay - chân - miệng

Tại phòng bệnh số 230, khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), hiện có 3 trẻ mắc tay chân miệng đang điều trị. Chị H.L.T (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, con trai chị là bé H.B (14 tháng tuổi) vào viện sau 1 ngày sốt cao từ 40-40,5 độ C, chỉ giảm được khoảng 1,5 tiếng rồi lại sốt cao trở lại. Tới ngày thứ hai, bé H.B giảm sốt xuống 39,5 độ C. Bé phải dùng hai loại thuốc giảm sốt phối hợp. “Con quấy khóc, khó ngủ, đêm cứ trằn trọc, bứt rứt, lúc đầu tôi còn nghĩ chắc cháu bị sốt viêm họng. Nhưng sau đó phát hiện trong miệng mọc vài nốt, tôi liền đưa đi khám gấp”, chị T nói. Vào viện, bé H.B được tiến hành xét nghiệm máu và chẩn đoán bị tay - chân - miệng. Đáng chú ý, cách đây 6 tháng, bé từng một lần mắc bệnh này.

Cùng phòng điều trị với bé H.B là trường hợp bé Đ.T.H (22 tháng tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội). Anh Đ.V.K (bố bé H) cho biết, 3 ngày trước, bé xuất hiện triệu chứng sốt cao đột ngột (39-40 độ C), quấy khóc liên tục. Gia đình nhanh chóng đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Cũng giống như bé H.B, bé H được xét nghiệm máu và chẩn đoán mắc tay -chân - miệng. Một ngày sau vào viện, vùng tay - chân của bé nổi liên tục các vết. Anh K cũng cho biết, mắc bệnh, bé H khi ngủ rất hay bị giật mình, có lúc các bác sĩ đã phải cho thuốc an thần để điều trị.

ThS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, có hơn 100 ca mắc tay chân miệng nhập viện điều trị tại khoa, tính trung bình ngày nào khoa cũng tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh này. Tuy nhiên, riêng trong 3 ngày gần đây, số lượng bệnh nhi mắc gia tăng cao hơn hẳn, đã có tới 15 ca nhập viện. “Thời điểm hiện nay là điều kiện cho các loại virus phát triển, đặc biệt là các loại virus đường tiêu hoá, đường hô hấp, trong số đó có những loại virus có thể gây nên bệnh tay - chân - miệng. Hàng năm, đến lúc giao mùa như hiện nay, tỷ lệ bệnh nhi mắc bệnh này nhập viện sẽ tăng hơn so với bình thường và so với các bệnh khác”, BS Hải nói.

Cũng theo BS Hải, chỉ 1/3 số bệnh nhi mắc tay - chân - miệng phải nhập viện điều trị, đó cũng là những trường hợp có biến chứng, được bác sĩ chỉ định cho dùng các loại thuốc tương đối đặc biệt. Vì đây là bệnh có thể do nhiều loại virus gây nên và không có thuốc điều trị đặc hiệu nên một đứa trẻ có thể nhiều lần mắc bệnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, chỉ trong một tuần gần đây, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 26 trường hợp mắc tay – chân - miệng (gấp 2 lần so với những tuần trước đó). Tích lũy từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 70 trường hợp mắc tay - chân - miệng.

Cảnh giác những dấu hiệu trở nặng

Các bác sĩ cho biết, dấu hiệu của bệnh tay - chân - miệng rất dễ nhận biết. Trẻ có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao. Trẻ cũng bị tổn thương ở da: rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…

Tuy nhiên, tay - chân - miệng là bệnh có thể gây thành dịch lớn, có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ. Cha mẹ trẻ cũng cần cảnh giác với những biến chứng trở nặng của bệnh, khi trẻ sốt cao không đáp ứng với điều trị (sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ) và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt như Ibuprofen đường uống cần được đưa đến bệnh viện ngay. Hay trẻ có thể bị giật mình, đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ cần chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không. Một biến chứng nặng hơn là nhịp tim của các bé tăng rất nhanh, trẻ có thể bị khó thở, là biểu hiện của tình trạng suy tim, rối loạn huyết động… Cha mẹ phát hiệu triệu chứng khó thở bằng cách quan sát các dấu hiệu co rút cơ hô hấp ở mũi ức, trẻ thở khó nhọc, thở nhanh hơn bình thường, cánh mũi phập phồng….

Trẻ cũng có thể bị rối loạn ý thức, có thể là biểu hiện của viêm não, huyết áp thấp…, cần phát hiện rất sớm từ khi trẻ ngủ gà, chậm chạp. Khi thấy trẻ tiểu ít, đây có thể là biểu dấu hiệu sớm của tình trạng nặng. Tiểu ít là biểu hiện của tình trạng rối loạn huyết động, tụt huyết áp, suy thận. Đánh giá lượng nước tiểu hàng ngày của trẻ bằng cách thu thập nước tiểu vào các dụng cụ có thể đánh giá số lượng như chai nước nhựa. Một số dấu hiệu khác của biến chứng tay - chân - miệng còn có: Nôn nhiều, nôn khan, yếu chân tay, khó nuốt, đi loạng choạng…

Theo Gia đình & Xã hội

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.