Từ lâu, các nhà khoa học đã hiểu rằng hoạt động của con người được tạo điều kiện thuận lợi bởi ánh sáng, có thể là ánh sáng mặt trời, ánh trăng hoặc ánh sáng nhân tạo. Nhưng một nghiên cứu cho thấy khả năng ngủ của chúng ta bị ảnh hưởng rõ rệt bởi chu kỳ mặt trăng, ngay cả khi tính đến các nguồn ánh sáng nhân tạo.
Sử dụng thiết bị theo dõi cổ tay, các nhà nghiên cứu đã theo dõi các mô hình giấc ngủ của 98 người sống trong ba cộng đồng bản địa ở Argentina trong suốt một đến hai tháng. Một cộng đồng nông thôn không có điện, một cộng đồng nông thôn thứ hai có khả năng tiếp cận điện hạn chế, trong khi một cộng đồng thứ ba sống ở thành thị và được sử dụng điện đầy đủ.
Những người tham gia trong cả ba cộng đồng cho thấy kiểu dao động giấc ngủ giống nhau khi mặt trăng tiến triển trong chu kỳ 29,5 ngày của nó, với thời gian ngủ thay đổi từ 20 đến hơn 90 phút và thời gian đi ngủ thay đổi từ 30 đến 80 phút.
Dữ liệu cho kết quả ngược với quan niệm thông thường, khi cho rằng con người ngủ ít hơn hay hoạt động nhiều hơn vào những đêm trăng tròn.
"Hóa ra những đêm trước trăng tròn là những đêm có nhiều ánh trăng nhất và cũng là thời điểm dễ làm con người thức muộn nhất", giáo sư Horacio de la Iglesia từ Đại học Washington, cho biết.
Để tăng thêm tính thuyết phục, các nhà nghiên cứu đã so sánh kết quả của họ với dữ liệu được thu thập tương tự từ 464 sinh viên ở Seattle đang học tại Đại học Washington. Họ đã tìm thấy những dao động giống nhau trong các kiểu ngủ.
"Những kết quả này cho thấy giấc ngủ của con người đồng bộ với các giai đoạn Mặt Trăng bất kể nền tảng dân tộc và văn hóa xã hội cũng như mức độ đô thị hóa", nhóm nghiên cứu cho biết.
“Con người chúng ta có xu hướng tin rằng bằng cách nào đó chúng ta đã kiểm soát được thiên nhiên, và việc sử dụng ánh sáng nhân tạo là một ví dụ tuyệt vời về điều đó. Nhưng nó chỉ ra rằng có một số lực lượng của tự nhiên chúng ta không thể kiểm soát", giáo sư de la Iglesia chỉ ra.