Các nhà phân tích đến từ Tổ chức nghiên cứu Melbourne cho biết, sự sụt giảm sinh viên quốc tế, bao gồm cả những sinh viên đến từ Trung Quốc, đã buộc các chủ nhà trọ tại Australia phải chuyển đổi công năng sử dụng bất động sản của họ.
Theo dữ liệu từ Chính phủ Australia, việc đóng cửa biên giới trong năm 2020 đã khiến cho lượng sinh viên quốc tế đăng ký theo học tại các cơ sở giáo dục của quốc gia này sụt giảm khoảng 9%, xuống còn 686.104 sinh viên. Trong đó, 28% trong số này đến từ Trung Quốc, 17% đến từ Ấn Độ. Tính đến tháng 3 năm nay, Australia chỉ còn 512.855 sinh viên quốc tế, ít hơn 17% so với một năm trước.
“Nhà được xây dựng với mục đích dành cho sinh viên (PBSA), ký túc xá và khách sạn dành cho khách du lịch bụi là những mô hình chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự sụt giảm số lượng sinh viên quốc tế. Đặc biệt, lượng người đăng ký thuê những căn hộ này còn gần như bằng không sau khi biên giới Úc đóng cửa”, ông Raymond Tran, Giám đốc CBRE Hotels, cho biết.
“Về mặt phát triển, chúng tôi buộc phải chuyển công năng một số dự án khách sạn, ký túc xá hoặc PBSA từng được đề xuất trước đây thành các dự án chung cư hoặc nhà ở để cho thuê”, ông Tran nói thêm.
Trước đó, Australia là quốc gia cung cấp dịch vụ giáo dục quốc tế đứng thứ ba thế giới, với lượng sinh viên ngoại quốc luôn chiếm hơn 1/3 sĩ số tại các trường đại học top đầu.
Thị trường giáo dục sôi động này từng đem về 37,5 tỷ đô la Australia (khoảng 28 tỷ đô la Mỹ) cho nền kinh tế vào năm 2020, với 60% lợi nhuận đến từ hoạt động cho thuê nhà, buôn bán thực phẩm, giao thông và du lịch. Đồng thời mang lại việc làm cho hơn 250.000 người lao động.
Theo một nghiên cứu mới được công bố vào tháng 4 bởi Viện Giáo dục và Chính sách Y tế của Đại học Victoria có trụ sở tại Melbourne, sự sụt giảm trong lĩnh vực giáo dục quốc tế của quốc gia này dự kiến đi từ 40,3 tỷ đô la Australia vào năm 2019 xuống còn 20,5 tỷ đô la Australia vào năm 2022.
Ông Georg Chmiel, người sáng lập và điều hành nền tảng bất động sản châu Á Juwai IQI, cho biết: “Vào tháng 7 tới, số lượng sinh viên quốc tế học tập tại Australia sẽ giảm khoảng 2/3, từ xấp xỉ 500.000 sinh viên xuống còn 165.000 em. Hơn 335.000 sinh viên, những người đã từng thuê một trong số các loại hình ký túc xá ở Australia có thể sẽ không bao giờ quay trở lại”.
Sự vắng mặt này cũng đồng nghĩa với việc giá thuê nhà sẽ rẻ hơn. Ông Chmiel cho biết, mỗi chủ nhà ở Melbourne ước tính đã mất 5.000 đô la Úc một năm, và ở Sydney thì mất khoảng 2.200.
Theo công ty nghiên cứu đầu tư SQM Research, giá thuê nhà ở Sydney và Melbourne đã giảm từ 8,8% đến 20% so với một năm trước đó. Giá chào bán căn hộ cũng lần lượt giảm từ 8,1% đến 9,8%.
Mối quan hệ rạn nứt giữa Trung Quốc và Australia cũng được biết tới như một nguyên nhân dẫn đến sự rủi ro của các chủ nhà trọ này. Bà Maggie Hu, Phó giáo sư về tài chính và bất động sản tại Đại học Trung Văn Hồng Kông cho biết: “Đại dịch gây ra những thách thức và khó khăn chưa từng có đối với sinh viên học tập và sinh sống tại Úc. Những cuộc bãi khóa, lệnh đóng cửa biên giới, cũng như căng thẳng chính trị xảy ra giữa hai quốc gia trở thành những nguyên nhân chính gây nên tình trạng này”.
“Sinh viên Trung Quốc sẽ lo lắng về một môi trường thù địch nếu sự rạn nứt giữa Trung Quốc và Australia trở nên tồi tệ hơn”, bà Hu nói.
Còn theo ông Peter Hurley, Chuyên gia Chính sách Giáo dục tại Viện Mitchell, những căng thẳng về chính trị có thể là một phần gây ra cuộc khủng hoảng, tuy nhiên, lệnh hạn chế đi lại nhiều khả năng là lý do cốt yếu khiến sinh viên Trung Quốc không quay lại Australia.
“Số lượng sinh viên quốc tế sụt giảm có thể không phải do những căng thẳng chính trị. Bởi chính phủ Australia từng tuyên bố rõ ràng rằng họ không mong muốn mở cửa biên giới trước tháng 7 năm 2022”, ông Hurley nói. “Điều này khiến sinh viên quốc tế từ bỏ cơ hội học tập tại Australia để tìm kiếm một quốc gia khác.”