Hôm Chủ nhật, Bộ Ngoại giao Azerbaijan cho biết phía đối phương đã nã pháo vào Ganja - thành phố lớn thứ hai của nước này, khiến 7 người chết và 33 người bị thương. Sự việc xảy ra khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực chưa đầy 24 giờ.
"Trận pháo kích đã phá hủy tất cả gia tài của tôi", ông Zagit Aliyev, 68 tuổi, than thở sau khi được cứu khỏi đống đổ nát.
Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Armenia - Shushan Stepanyan, đã bác bỏ tuyên bố của Azerbaijan rằng thành phố Ganja ở phía tây Azerbaijan đã bị nã pháo từ lãnh thổ Armenia.
Trước đó, hai Ngoại trưởng của Armenia và Azerbaijan đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, qua đó cho phép hai bên thu thập các thi thể và trao đổi tù binh ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Thỏa thuận ngừng bắn chính thức có hiệu lực vào trưa thứ Bảy nhưng cả hai bên gần như ngay lập tức cáo buộc nhau vi phạm.
Lãnh đạo của khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, Arayik Harutyunyan, mô tả tình hình đang dần được kiểm soát nhưng lệnh ngừng bắn "hết sức bấp bênh".
Giao tranh đã nổ ra vào cuối tháng trước, xuất phát từ những mâu thuẫn ỉ kéo dài giữa Armenia và Azerbaijan về khu vực Nagorno-Karabakh.
Dù nằm sâu trong lãnh thổ Azerbaijan, phần lớn dân số tại Nagorno-Karabakh là người Armenia. Chính quyền tại đây từ lâu đã được Armenia hậu thuẫn và luôn tìm cách tách khỏi sự cai quản của Azerbaijan.
Cuộc xung đột trong hơn 2 tuần qua đã khiến hơn 450 người thiệt mạng, hàng nghìn người buộc phải rời bỏ nhà cửa và lo ngại cuộc giao tranh có thể leo thang thành một cuộc xung đột tàn khốc.
Không chỉ dừng lại ở tranh chấp giữa hai quốc gia láng giềng tại vùng Kavkaz, cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh đang dần lôi kéo cả Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Azerbaijan, và Nga - vốn có hiệp ước quân sự với Armenia.
Các nhà lãnh đạo thế giới bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án việc Thổ Nhĩ Kỳ điều động phiến quân Syria và Lybia gia nhập cuộc chiến tại Nagorno-Karabakh.
Một quan chức cấp cao của Azerbaijan cho biết hôm thứ Bảy, thỏa thuận ngừng bắn chỉ mang ý nghĩa "tạm thời" và cho biết chính quyền Baku "không có ý định lùi bước" đối với nỗ lực giành lại quyền kiểm soát khu vực tranh chấp.