Trong một bài phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân, Chủ tịch Tập tuyên bố sẽ tiếp tục cải cách kinh tế nhưng nói rõ rằng Bắc Kinh sẽ không đi chệch khỏi hệ thống đơn nguyên hay nhận lệnh từ bất kỳ quốc gia nào khác.
Không đề cập trực tiếp đến Mỹ, ông Tập nói Trung Quốc "không phải mối đe dọa" đối với bất kỳ quốc gia nào nhưng cảnh báo rằng nước này sẽ không bị gạt ra một bên.
"Không ai có thể ra lệnh cho người dân Trung Quốc những gì nên hay không nên làm", ông Tập khẳng định.
"Chúng ta phải kiên quyết cải cách những gì nên và có thể thay đổi, chúng ta phải kiên quyết không cải cách những gì không nên và không thể thay đổi".
Trong khi Chủ tịch Trung Quốc hứa sẽ cải cách nhiều hơn, ông không đưa ra bất kỳ chi tiết cụ thể nào. Mỹ và châu Âu từ lâu đã phàn nàn về những trở ngại còn sót lại khi thâm nhập hoàn toàn vào thị trường rộng lớn của Trung Quốc trong khi các công ty Trung Quốc được hưởng lợi ích từ các nền kinh tế cởi mở ở phương Tây.
Quang cảnh buổi lễ kỷ niệm. |
"Chúng ta tích cực thúc đẩy xây dựng nền kinh tế thế giới mở, xây dựng cộng đồng mang vận mệnh loài người, thúc đẩy chuyển đổi hệ thống quản trị toàn cầu, phản đối chủ nghĩa bá quyền và quyền lực chính trị", ông Tập nói về tham vọng địa chính trị của Trung Quốc.
"Trung Quốc đang ngày càng tiếp cận trung tâm của sân khấu thế giới và trở thành kiến trúc sư hòa bình được thế giới công nhận, đóng góp cho sự phát triển toàn cầu và là người bảo vệ trật tự quốc tế".
Lễ kỷ niệm 40 cuộc cải cách, mở cửa nền kinh tế Trung Quốc của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình vào ngày 18/12 năm 1978, đã diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc bị Mỹ và các nước đồng minh gia tăng áp lực ngoại giao và kinh tế.
Những cải cách của Trung Quốc vào thế kỷ trước đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo và biến quốc gia này thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhưng Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một khoản nợ khổng lồ và nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, chỉ khoảng 6,9% vào năm ngoái và tỷ lệ này được chính phủ dự kiến sẽ giảm xuống còn khoảng 6,5% trong năm nay.
Tăng cường trí tuệ
Buổi lễ kỷ niệm diễn ra hôm thứ Ba bao gồm lễ trao huy chương cho hơn 100 cá nhân mà Đảng và Chính phủ Trung Quốc công nhận có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước, từ những người tham gia cải cách nông thôn và xóa đói giảm nghèo cho tới người giàu nhất Trung Quốc - Jack Ma, và huyền thoại bóng rổ đã giải nghệ Yao Ming.
CEO của tập đoàn Tencent - Pony Ma và ông chủ hãng bán lẻ Alibaba - Jack Ma, tham dự sự kiện kỷ niệm 40 năm cải cách của Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Những cải cách của nhà cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã phá vỡ vòng kiềm tỏa nền kinh tế Trung Quốc trong những năm sau Cách mạng Văn hóa.
Tỷ lệ nghèo đói tại nông thôn đã giảm xuống còn 3,1% vào năm ngoái so với 97,5% của 40 năm trước.
Trung Quốc hiện là nước có nhiều tỷ phú USD nhất thế giới với 620 người, theo tạp chí Hurun Report.
Tuy vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc cải cách hiện đã có những biến đổi so với tinh thần của 40 năm trước.
Giáo sư khoa học chính trị của Đại học Baptist Hong Kong Jean-Pierre Cabestan cho biết: "Có một sự tương phản rất rõ ràng với tinh thần lãnh đạo của Đặng vào 40 năm trước".
"Bài phát biểu của ông Tập đã chỉ ra các ý tưởng cải cách nhưng không đưa ra bất kỳ kế hoạch cụ thể nào", ông Cabestan nói thêm.