Trung Quốc nỗ lực cân bằng giữa 'giận dữ và thương mại' sau vụ Huawei

Lãnh đạo Trung Quốc vừa phải giữ quan hệ thương mại mới ấm lên với Mỹ, nhưng vẫn phải chỉ trích nước này về việc bắt giữ lãnh đạo Huawei.

Hôm qua, Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Mỹ tại nước này - Terry Branstad để phản đối việc Canada bắt Giám đốc tài chính Huawei - Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ hôm 1/12. Việc bà Mạnh bị bắt đã làm phức tạp đáng kể quan hệ kinh tế của Trung Quốc với Mỹ, khi căng thẳng chỉ vừa có dấu hiệu tan băng. Huawei được coi là niềm tự hào dân tộc của Trung Quốc và là một trong những công ty tư nhân lớn nhất, thành công nhất của nước này trên thế giới.

Tuy nhiên, trong một hội thảo cấp cao tại Đại học Thanh Hoa hôm qua, với sự góp mặt của 4 nhà kinh tế học Mỹ từng được giải Nobel, ông Ma Jianting - Phó chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc đã mở đầu bài phát biểu bằng cách ca ngợi quan hệ kinh tế hai nước, và không đề cập đến việc bắt giữ. "Hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đang hội nhập vào nhau. Không gì có thể chia rẽ điều đó", ông khẳng định.

Đây là tín hiệu mới nhất cho thấy chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực vừa tách bạch vấn đề Huawei, nhưng vẫn phải giữ lập trường cứng rắn để thỏa mãn cơn giận dữ mang tính dân tộc. Bắc Kinh đã thực hiện hàng loạt biện pháp để cải thiện quan hệ với Mỹ từ khi Tổng thống Mỹ - Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình thống nhất tạm dừng chiến tranh thương mại bên lề G20 hồi đầu tháng.

Trung Quốc nỗ lực cân bằng giữa 'giận dữ và thương mại' sau vụ Huawei ảnh 1

Giám đốc tài chính kiêm Phó chủ tịch Huawei - Mạnh Vãn Chu. Ảnh: Reuters

Nhưng cùng ngày đó - 1/12, bà Mạnh cũng bị Canada bắt giữ. Thứ năm tuần trước, vài giờ sau khi tin tức này phát ra, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc - Gao Feng vẫn khẳng định Bắc Kinh "hoàn toàn tin tưởng có thể đạt thỏa thuận trong 90 ngày". Ông cũng lần đầu xác nhận Trung Quốc sẽ mua thực phẩm, nhiên liệu và xe hơi từ Mỹ. Đây là điều Trung Quốc chưa đề cập trong thông báo sau cuộc họp giữa lãnh đạo hai nước.  

Hôm qua, trên CBS, Đại diện Thương mại Mỹ - Robert Lighthizer cũng tuyên bố coi 1/3 là "hạn chót không thay đổi" cho việc đàm phán. "Khi tôi nói chuyện với Tổng thống, ông ấy không đề cập đến sau thời hạn đó. Nếu phải đạt được một thỏa thuận, chúng tôi sẽ làm điều đó trong 90 ngày", ông nói.

Lighthizer hiện là người dẫn đầu nhóm đàm phán của Mỹ. Ông cũng cho biết việc bắt giữ bà Mạnh sẽ không ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán. "Đây là vấn đề pháp lý, hình sự. Nó hoàn toàn riêng biệt so với những gì tôi, hoặc các nhà hoạch định chính sách thương mại khác, đang làm", ông nói.

Trung Quốc cũng đang kỷ niệm 40 năm cải cách kinh tế bằng việc kêu gọi tăng mở cửa với thương mại và đầu tư nước ngoài. Việc này cho phép họ thực hiện các biện pháp mở cửa như Mỹ mong muốn, mà không bị coi là nhượng bộ trước sức ép của Mỹ. Chính sách cụ thể vẫn còn được thảo luận, nhưng một số lựa chọn đang được cân nhắc là giảm thuế nhập khẩu cho hàng loạt quốc gia và khuyến khích đầu tư nước ngoài trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại.

Không chỉ với Mỹ, quan hệ thương mại của Trung Quốc với Canada cũng có thể chịu tác động. Thương mại hai nước đã xấu đi từ tháng 5, sau khi Canada từ chối cho phép một công ty Trung Quốc mua hãng xây dựng Aecon nước này, với lý do an ninh quốc gia. Các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước cũng đang bế tắc, do Canada yêu cầu hiệp định phải có các điều khoản về lao động, môi trường, bình đẳng giới và các vấn đề về quản trị.

Hôm thứ Bảy, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - Le Yucheng đã triệu tập đại sứ Canada tại Trung Quốc - John McCallum để phản đối việc bắt giữ bà Mạnh, Xinhua cho biết. Hôm qua, tờ People’s Daily cảnh báo Canada sẽ phải nhận "hậu quả nghiêm trọng" vì bắt giữ bà Mạnh.

"Chỉ khi sửa chữa sai lầm, ngay lập tức chấm dứt việc vi phạm quyền lợi hợp pháp của công dân Trung Quốc và cho người dân Trung Quốc một lời giải thích kịp thời, Canada mới không phải trả giá đắt", bài báo cho biết.

Trong buổi điều trần thứ Sáu tuần trước ở Canada, các công tố viên Canada cho biết bà đã tham gia vào hoạt động lừa đảo các tổ chức tài chính để thực hiện giao dịch vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran. Lệnh bắt bà được tòa án quận Đông New York phát ra hồi tháng 8. Khi đó, quan hệ thương mại Mỹ - Trung đang rất xấu.

Huawei cho biết họ không có thông tin nào về sai phạm của bà Mạnh. Sau buổi điều trần hôm thứ sáu, người phát ngôn của công ty cho biết: "Chúng tôi tin rằng hệ thống pháp luật của Canada và Mỹ sẽ đưa ra kết luận đúng đắn".

Chính phủ Mỹ đã điều tra việc làm ăn của Huawei với Iran nhiều năm nay. Trước Huawei, đối thủ đồng hương của họ - ZTE cũng đã bị kết tội tương tự. Họ đã chịu án phạt mạnh tay từ Bộ Thương mại Mỹ và phải thay thế lãnh đạo cấp cao.

Tuy nhiên, động thái của Mỹ nhằm vào Huawei được đưa ra trong bối cảnh hai nước liên tục áp thuế nhập khẩu với nhau, và Mỹ tìm mọi cách kiềm chế năng lực công nghệ của Trung Quốc. Nó  khiến nhiều người Trung Quốc có cảm giác Mỹ đang cố ghìm chân kinh tế nước này. Việc này khiến các nhà cải cách kinh tế tại đây khó ủng hộ việc nhượng bộ thương mại với Mỹ.

"Trung Quốc sẽ không tạo ra rắc rối đâu. Nhưng Trung Quốc cũng không sợ rắc rối", People’s Daily cho biết, "Không ai được đánh giá thấp sự tự tin, ý chí và sức mạnh của Trung Quốc".

Theo Vnexpress
Bình luận
Việt Nam - Điểm đến không thể bỏ lỡ trong thiên niên kỷ mới
Việt Nam - Điểm đến không thể bỏ lỡ trong thiên niên kỷ mới
(Ngày Nay) - Triển lãm du lịch và kỳ nghỉ lần thứ 28 của Canada được tổ chức vào cuối tuần qua với sự tham gia tích cực của Đại sứ quán Việt Nam, đại diện các đoàn ngoại giao quốc tế, các công ty lữ hành, hãng hàng không và các nhà điều hành dịch vụ du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
Các thành viên Quỹ Nam Phương, các nghệ sĩ Tiêu Minh Phụng, Đỗ Phú Quí, OgeNus và cộng đồng fan chúc mừng Negav đón tuổi mới đầy ý nghĩa
Một sinh nhật, hàng trăm niềm vui: FC Negav cùng Quỹ Nam Phương mang cầu mới về miền Tây
(Ngày Nay) - Ngày 13/04/2025, Lễ Khởi công cầu Khang Thành An – dự án thiện nguyện do cộng đồng người hâm mộ rapper Negav (Đặng Thành An) và Quỹ Nam Phương cùng nhau thực hiện, được tổ chức tại xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Diễn ra nhân dịp sinh nhật Negav, sự kiện lan tỏa trọn vẹn tinh thần “Giving Birthday” – "Cho đi là còn mãi, Cho đi để nhận lại yêu thương"
Ấn Độ ra mắt Khung năng lực AI nhằm chuyển đổi dịch vụ công
Ấn Độ ra mắt Khung năng lực AI nhằm chuyển đổi dịch vụ công
Với hơn 3,1 triệu công chức, Ấn Độ đã thực hiện một bước tiến táo bạo hướng tới quản trị dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) thông qua việc công bố một khung năng lực toàn diện nhằm nâng cao năng lực AI trong toàn bộ khu vực công. Dựa trên Khung năng lực về AI và chuyển đổi số dành cho công chức do UNESCO ban hành, Ấn Độ đang khẳng định vị thế tiên phong trong việc tích hợp AI vào phát triển năng lực hành chính công trên quy mô lớn, với trọng tâm đặt vào nguyên tắc đạo đức và quyền con người.
Bà Simona-Mirela Miculescu, Chủ tịch khóa họp thứ 42 của Đại hội đồng UNESCO (bên phải).
Tái khẳng định sứ mệnh bền vững của UNESCO: Khơi dậy tinh thần hòa bình thông qua hợp tác trí tuệ
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, khi xung đột leo thang và niềm tin vào hợp tác quốc tế bị lung lay, sứ mệnh bền vững của UNESCO - thúc đẩy hòa bình thông qua tình đoàn kết trí tuệ và đạo đức - chưa bao giờ trở nên cấp thiết như hiện nay. Đó là những lời mở đầu trong bài phát biểu của bà Simona-Mirela Miculescu, Chủ tịch khóa họp thứ 42 của Đại hội đồng UNESCO, tại phiên Toàn thể của Khóa họp thứ 221 Hội đồng Chấp hành UNESCO.
Những di sản Việt Nam thành di sản của nhân loại
Những di sản Việt Nam thành di sản của nhân loại
(Ngày Nay) -  Bộ sưu tập đồ sộ của Nhạc sĩ Hoàng Vân, bao gồm hơn 700 tác phẩm âm nhạc sáng tác từ năm 1951 đến 2010, đã trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh mục Ký ức Thế giới. Đây là lần đầu tiên một bộ sưu tập về âm nhạc của cá nhân ở Việt Nam giành được vinh dự này.