Trong dịp kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gây bất ngờ với dư luận trong nước và quốc tế khi rơi nước mắt trong lúc phát biểu trước công chúng.
Ông cảm ơn người dân Triều Tiên vì "sự kiên trì tuyệt vời" và đặt niềm tin vào đảng. Chủ tịch Triều Tiên cũng ca ngợi người dân vì họ đã "dũng cảm vượt qua những khó khăn và thử thách khắc nghiệt" trong năm nay. Ông Kim tỏ ra xúc động mạnh khi cảm ơn các thành viên quân đội đã giúp đỡ người dân trong việc khắc phục hậu quả thiên tai và phòng chống dịch bệnh.
Sau đó, quân đội Triều Tiên đã tiến hành buổi lễ duyệt binh hoành tráng, với sự xuất hiện của một trong những tên lửa đạn đạo lớn nhất thế giới.
Ông Kim Jong-un xuất hiện tại buổi lễ kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên. |
Giọng điệu trong bài phát biểu của ông Kim - ngắn gọn và không có điểm nào nhắc đến Mỹ, so với cuộc diễu hành quân sự là hai thái cực đối lập, nhưng đã chỉ ra những gì Triều Tiên phải trải qua trong năm 2020,
Đất nước này hiện đang đứng trước ngã ba đường. Các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng đã đạt được những bước tiến đáng kinh ngạc dưới thời lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un. Về mặt ngoại giao, ông đã xử lý tốt mối quan hệ cá nhân với Tổng thống Mỹ Donald Trump và xây đắp vững chắc mối quan hệ song phương với Trung Quốc.
Nhưng về mặt đối nội, ông Kim vẫn chưa thể hiện thực hóa lời hứa cải thiện cuộc sống của người dân Triều Tiên kể từ khi lên nắm quyền năm 2011.
Điểm yếu của ông Kim Jong-un
Trong nước, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên được miêu tả là một người của nhân dân, ngay cả khi ông chỉ xuất hiện chính thức trong chính trường chưa đầy một năm trước khi lên nắm quyền.
Chủ tịch Triều Tiên luôn có một lịch trình bận rộn và thường xuyên có hoạt động tiếp xúc với người dân, mỉm cười và thậm chí ôm các đồng chí của mình - một hành động trái ngược với hình ảnh của người tiền nhiệm Kim Jong-il.
Không giống như cha mình, ông Kim Jong-un luôn sẵn sàng thừa nhận thất bại trong mọi việc, từ chương trình phóng vệ tinh đến các chương trình kinh tế và học hỏi từ những sai lầm của mình. Mặc dù điều này có thể phá vỡ hình tượng hoàn hảo của gia tộc họ Kim trong lòng công chúng Triều Tiên, nhưng đồng thời nó cho thấy ông Kim là một chính khách trẻ tuổi, năng động.
Tuy nhiên, việc công khai rơi nước mắt trên sóng truyền hình là một ngoại lệ chưa từng có.
John Delury, một giáo sư Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Yonsei, cho biết quyết định chia sẻ cảm xúc cá nhân của ông Kim bắt nguồn từ chính sự tự tin của bản thân nhà lãnh đạo này với người dân và giới quân đội: sẵn sàng chia sẻ cảm xúc thật của mình thay vì phải che giấu sự yếu đuối.
"Đó là một phong cách chính trị. Đó là một loại chủ nghĩa dân túy nhằm kết thân với công chúng, đó là cho họ thấy ông ấy đang cảm thấy người dân đang phải chịu đựng như thế nào và ông ấy thực sự nghĩ tới họ", vị chuyên gia nhận định.
Chủ tịch Kim Jong-un xây dựng hình ảnh của một nhà lãnh đạo hòa đồng, gắn bó với người dân. |
"Ngay từ ngày đầu tiên, ông ấy đã đề xuất nhiều triển vọng phát triển kinh tế", ông Delury nói. "Ông ấy liên tục xin lỗi vì đã không thực hiện được kế hoạch và tỏ ra không lùi bước trước lời hứa của mình".
Nhiều người đổ lỗi cho nền kinh tế kém phát triển của Triều Tiên bắt nguồn từ các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo đã khiến nước này gần như không thể cải thiện triển vọng kinh tế của mình.
Việc gia tộc họ Kim kiên quyết theo đuổi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo đã đảm bảo cho Triều Tiên một tương lai không còn lo sợ các thế lực nước ngoài, nhưng chính đất nước này cũng phải trả cái giá đắt về cơ hội phát triển.
"Đừng bao giờ đánh giá thấp Triều Tiên"
Số lượng vũ khí được giới thiệu vào ngày 10/10 vừa qua đã nhấn mạnh rằng Triều Tiên vẫn tiếp tục thúc đẩy nỗ lực phát triển các loại khí tài tiên tiến.
Mặc dù Triều Tiên đã trình làng một số vũ khí thông thường ấn tượng, nhưng điểm nổi bật của cuộc duyệt binh là một loại vũ khí chiến lược: hai khung tên lửa đạn đạo được trưng bày gần cuối lễ duyệt binh.
Một là thiết kế sử dụng nhiên liệu rắn dựa trên tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và loại còn lại là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trên đất liền - đây có khả năng là "vũ khí chiến lược mới" mà ông Kim đã hứa sẽ cho ra mắt hồi đầu năm nay.
Tên lửa ICBM mới được Triều Tiên giới thiệu trong cuộc duyệt binh hôm 10/10. |
Các chuyên gia cho rằng thiết kế của loại tên lửa này có vẻ giống về mặt công nghệ với Hwasong-15, ICBM khổng lồ mà Triều Tiên đã bắn thử thành công vào tháng 11 năm 2017. Hầu hết đều đồng ý rằng kích thước gia tăng có nghĩa là tên lửa đạn đạo này có thể mang nhiều đầu đạn, càng khiến Mỹ cảm thấy bất an nếu hai bên xảy ra xung đột hạt nhân.
Melissa Hanham, chuyên gia tên lửa tại Tổ chức Tương lai Một Trái đất, cho biết: "Đừng bao giờ đánh giá thấp Triều Tiên. Họ đang liên tục tăng cường khả năng phòng thủ".
Khi được hỏi hôm về tên lửa ICBM mới của Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh thực tế rằng cuộc duyệt binh không phải là một lời khẳng định về sự tồn tại của vũ khí đó và rằng kể từ cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump, ông Kim Jong-un đã không cho thử một tên lửa đạn đạo tầm xa nào.
Evans Revere, một cựu chuyên gia của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết cách hùng biện trong bài phát biểu của ông Kim cho thấy nhà lãnh đạo Tiều Tiên "hiểu rằng bản chất của thỏa thuận mà ông ấy có với Tổng thống Trump tiếp tục là không thử tên lửa đạn đạo tầm xa và vũ khí hạt nhân."