“Tôi đã vi phạm pháp luật và kỷ luật của Đảng triền miên, và những sự thật khách quan về tội danh của tôi đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho Đảng và nhà nước. Quá trình xử lý vụ việc của tôi tuân thủ đúng các quy định của Đảng và pháp luật, phản ánh quyết tâm của cơ quan chức năng trong việc quản lý Đảng một cách chặt chẽ và thúc đẩy pháp quyền.”, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc nói.
"Tôi phục tùng phán quyết của tòa án, không kháng cáo. Tôi biết mình đã vi phạm pháp luật, làm tổn hại hình ảnh của đảng. Một lần nữa, tôi xin nhận tội, ăn năn hối lỗi", Chu Vĩnh Khang nói trong đoạn video đài truyền hình trung ương CCTV công bố.
Chu Vĩnh Khang xuất hiện với mái tóc bạc trắng tại tòa án. Ảnh: SCMP |
Theo Tân Hoa Xã, việc xét xử Chu Vĩnh Khang, 73 tuổi, diễn ra từ hôm 22/5. Do vụ án có liên quan đến tiết lộ các bí mật nhà nước, nên quá trình xét xử diễn ra bí mật.
Theo phán quyết, Chu Vĩnh Khang và gia đình đã nhận hối lộ tổng cộng 129,7 triệu nhân dân tệ thông qua các trợ lý thân cận. Cụ thể, Chu Vĩnh Khang nhận 731.100 tệ từ Tưởng Khiết Mẫn, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản nhà nước và cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), nơi ông làm lãnh đạo trong 10 năm.
Con trai của Chu Vĩnh Khang, Chu Bân, và vợ Hà Hiểu Diệp nhận 129 triệu nhân dân tệ từ doanh nhân Tứ Xuyên Ngô Binh, cựu thị trưởng TP Lữ Lương (thuộc tỉnh Sơn Tây) Đinh Tuyết Phong, kế toán trưởng CNPC Ôn Thanh Sơn và cựu giám đốc một công ty con của CNPC Chu Hạo. Toàn bộ số tiền này đã bị tịch thu, theo tòa án.
Tòa án Thiên Tân cho biết Chu Vĩnh Khang lạm dụng quyền lực bằng cách chỉ đạo các phụ tá thân cận giúp con trai và các doanh nhân khác thu về hơn 2,13 tỉ nhân dân tệ lợi nhuận bất hợp pháp, gây thiệt hại 1,48 tỉ nhân dân tệ cho nền kinh tế Trung Quốc.
Ngoài ra, Chu Vĩnh Khang cũng đã cung cấp 6 tài liệu mật, trong đó 5 tài liệu là tuyệt mật, cho Cao Ung Chính - một “bậc thầy khí công”.
Chu Vĩnh Khang từng là ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc, chủ nhiệm Ủy ban chính pháp trung ương. Trước đó, “ông trùm” an ninh này từng có thời gian dài công tác tại Tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc (CNPC), với cương vị phó tổng giám đốc, bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên.
Chu Vĩnh Khang bị truy tố hồi tháng 4, 9 tháng sau khi bị điều tra chính thức. Chu bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc cuối năm ngoái. Trước khi về hưu năm 2012, Chu là một trong những người quyền lực nhất Trung Quốc, từng đứng đầu Bộ Công an và là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị.
Trang Ly (T/h)
Xem thêm:
- Sợ bị xử tử hình, trùm an ninh Chu Vĩnh Khang quyết chối tội?
- Quan chức Trung Quốc bị khai trừ vì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng