Hội thảo thu hút sự tham gia hơn 500 nhân sự cấp cao từ các quỹ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng; các nhà đầu tư cá nhân cùng các chuyên gia tài chính, kinh tế, chứng khoán đầu ngành.
Thị trường tiềm năng, nhưng cần lạc quan trong thận trọng
Theo ông Lâm Minh Chánh - Chủ tịch CTCP Đầu tư và Thương mại LMC, TTCK Việt Nam đang được đánh giá là điểm sáng trong khu vực khi chỉ số VN-Index trở lại mốc trên 700 điểm lần đầu tiên sau 9 năm, thanh khoản tăng mạnh với giá trị giao dịch đạt gần 4.500 tỷ đồng/phiên, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài ở mức cao nhất từ trước tới nay.
Giải thích nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng của TTCK, ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) nhận định có ba nguyên nhân:
Thứ nhất, giai đoạn 2015-2016 các cơ chế chính sách tháo lỏng thị trường được hoàn thiện và dần có hiệu lưc. Thứ hai, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định. Tuy quý I GDP chỉ đạt 5,1%, nhưng tăng trưởng sẽ trải đều trong những quý còn lại. Thứ ba, tác động của những cam kết của Chính phủ trong xây dựng chính phủ kiến tạo.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Đăng Doanh bổ sung, việc đẩy mạnh cổ phần hoá DNNN chính là một trong những nhân tố quan trọng cho thị trường chứng khoán Việt.
“Chúng ta sẽ đẩy mạnh cổ phần hoá các DNNN trong các ngành như xây dựng, giao thông, đó là những tín hiệu cho thấy, từ nay tới cuối năm thị trường chứng khoán sẽ có nhiều “hàng hoá” hơn, tốc độ trung chuyển vốn sẽ mạnh hơn”, ông Doanh cho biết.
Về triển vọng nâng hạng TTCK, hiện Việt Nam đang xếp hạng ở nhóm các thị trường sơ khai (Frontier market) cùng với các nước như Argentina, Sri Lanka và Bangladesh... Trong số các tiêu chí đánh giá của MSCI, một trong ba hãng xem xét nâng hạng, Việt Nam có thể đáp ứng một số tiêu chí như quy mô, thanh khoản...
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục như: Minh bạch thông tin, đặc biệt là các thông tin công bố bằng tiếng Anh cho các NĐTNN; mức độ tự do trên thị trường ngoại hối; bán khống...
"Giống như các chuyên gia khác, tôi cũng lạc quan về TTCK, nhưng lạc quan trong thận trọng", chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu kết luận. Theo ông Hiếu, khi so sánh thị trường ngân hàng và TTCK có thể thấy sự lệch pha rất lớn giữa hai thị trường này. Vốn hóa của thị trường vốn khoảng 100 tỷ trong khi dư nợ của thị trường ngân hàng là 300 tỷ USD.
Hội thảo thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp và truyền thông |
"Đầu tư vào chứng khoán sẽ là “thiên đường” trong vài năm tới"
Nhận định về sức hấp dẫn của thị trường, ông Tống Minh Tuấn - Giám đốc Chi nhánh TP. HCM của Công ty Chứng khoán VCBS cho biết, năm 2017, nhiều hàng hoá tốt được giới thiệu, hấp dẫn cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ nay đến cuối năm thị trường sẽ sôi động hơn.
Đồng quan điểm trên, ông Dương Văn Chung - Giám đốc đầu tư, Công ty Chứng khoán MBS bổ sung rằng GDP năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 6,35%, lạm phát ở mức 5% và tăng trưởng tín dụng ngân hàng 18%. Chu kỳ kinh tế Việt Nam đã tạo đáy vào năm 2012, dự báo chu kỳ tăng trưởng sẽ kéo dài trong 4 năm tới.
"Tôi cho rằng đầu tư vào chứng khoán sẽ là “thiên đường” trong vài năm tới. Tuy vậy, tỷ suất sinh lời không cao như những năm trước, chỉ ở mức 30%-40%.
Nhưng tỷ suất này sẽ chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, còn các nhà đầu tư lướt sóng vẫn có thể lỗ như thường", ông Chung cho biết.
Ông Nguyễn Phi Sơn – Phó Giám đốc Chi nhánh TP.HCM của Công ty Chứng khoán SHS nhấn mạnh các nhà đầu tư cần quan tâm đến cổ phiếu doanh nghiệp nằm trong các ngành xương sống giúp phát triển vĩ mô bao gồm chứng khoán, xây dựng, vật liệu bất động sản và ngân hàng.
"Một điều cốt yếu tôi thấy ở đây đó là các ông chủ doanh nghiệp đã có sự quan tâm nhiều hơn đến tâm tư, nguyện vọng cổ đông. Tôi thấy Tập đoàn FLC đang làm rất tốt việc đấy", ông Sơn nhận xét.
"Sẽ đưa cổ phiếu FLC về với giá trị thật"
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến từ các nhà đầu tư và chuyên gia cho rằng, cổ phiếu FLC đang ở dưới giá trị thực. Giá trị sổ sách của FLC hiện đang trên 13.000 đồng/cổ phiếu nhưng giá thị trường lại dưới mệnh giá. Trong khi cổ phiếu ROS có thị giá quanh 160 nghìn đồng/cổ phiếu, tức gấp khoảng 16 lần mệnh giá.
Chủ tịch FLC- Faros: Tôi muốn nhà đầu tư không gửi tiền ở ngân hàng thì hãy mang ra đầu tư |
Lý giải về điều này, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, FLC Faros cho biết, cổ phiếu FLC là cổ phiếu của thị trường, do đó biến động theo xu thế VN-Index và tâm lý của nhà đầu tư mà không cần quan tâm đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Tính thanh khoản của cổ phiếu FLC cũng rất cao, do đó, mua bán bao nhiêu đều được.
"Nhìn vào giá trị nội tại của doanh nghiệp và giá cổ phiếu, chúng ta thấy có sự vênh nhau rất lớn. Đó là điều chưa hợp lý. Thực tế hiện nay cổ đông lớn chỉ có tôi và 1-2 quỹ của nước ngoài nắm trên 30%. Tỷ lệ cổ phần bên ngoài tương đối lớn, vào khoảng trên 60% cho các cổ đông nhỏ.
Để đưa cổ phiếu về giá trị thật, tôi sẽ mời một số đối tác là các nhà đầu tư tổ chức sở hữu cổ phiếu này trên 60%. Khi đó tôi sẽ không rõ giá cổ phiếu FLC sẽ về mức 15 hay 30 nghìn đồng, vì khi đó quan hệ cung cầu đã thay đổi", ông Trịnh Văn Quyết khẳng định.
Chứng khoán cần trở thành kênh huy động vốn chủ lực cho doanh nghiệp
Quanh việc đầu tư chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết cũng kiến nghị, UBCKNN cần vào cuộc để mỗi người dân đều hiểu rằng TTCK là một kênh đầu tư hữu hiệu.
“Nhiều hôm riêng giao dịch FLC, ROS đã chiếm 1/3 thị trường. Do đó tôi muốn thị trường có những phiên 10.000 tỷ. Tôi muốn nhà đầu tư không gửi tiền ở ngân hàng thì hãy mang ra đầu tư. Chỉ cần tỷ lệ mấy % của 100 triệu dân đầu tư vào thị trường thì điểm số, vốn hoá của thị trường sẽ không ở mức 4000 tỷ đồng”, ông Quyết nói.
Trong 10 năm qua, Tập đoàn FLC không dựa vào vốn thương mại, mà chủ trương huy động vốn trên TTCK và đã huy động được một nguồn vốn rất lớn.
Vì vậy, "TTCK cần trở thành kênh huy động vốn chủ lực cho doanh nghiệp, chứ doanh nghiệp không nên phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn vốn khác, như vốn ngân hàng thương mại”, Chủ tịch HĐQT FLC, FLC Faros nhấn mạnh.