Đây là nhận định được ông đưa trong cuộc trả lời phỏng vấn trước thềm chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ ngày 27 - 30/11.
Tiến sĩ Shoji nhận định trong bối cảnh năm nay là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, cũng như kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN - Nhật Bản, chuyến thăm là cơ hội để Thủ tướng Fumio Kishida và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tái khẳng định sức mạnh của quan hệ song phương và sự phát triển hơn nữa trong quan hệ song phương, đa phương.
Theo Tiến sĩ Shoji, người dân Nhật Bản coi Việt Nam là một địa điểm du lịch lý tưởng do vị trí địa lý gần gũi, với các điểm tham quan và nền ẩm thực hấp dẫn. Ông đánh giá Việt Nam là một nền kinh tế phát triển rất nhanh, con người tràn đầy năng lượng, cũng như bày tỏ vui mừng khi người Việt Nam có cảm giác thân quen với Nhật Bản và người Nhật Bản nhận thấy người Việt Nam rất gần gũi, đặc biệt khi hiện nay có rất nhiều người Việt đang sinh sống tại Nhật Bản. Cùng là quốc gia trong châu Á, ông nhận định rằng hai nước rất dễ hòa hợp, cảm giác thân thuộc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Nhật Bản hợp tác với Việt Nam.
Về thế mạnh trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, Tiến sĩ Shoji khẳng định hai nước có thể thiết lập và duy trì mối quan hệ song phương bền chặt nhờ sự gần gũi về mặt địa lý, sự đồng cảm về sắc tộc, sự bổ sung về kinh tế và các lợi ích chiến lược hội tụ. Ông cho rằng thế mạnh đầu tiên là hợp tác kinh tế, nhấn mạnh hợp tác song phương trong lĩnh vực này đã có sự tiến triển vô cùng mạnh mẽ.
Nhật Bản từ lâu đã coi trọng hợp tác kinh tế trong chính sách ngoại giao. Với tiềm lực kinh tế mạnh, Nhật Bản mong muốn phát huy lợi thế để tăng cường quan hệ với Việt Nam. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Shoji nhấn mạnh an ninh cũng là một lĩnh vực hợp tác rất quan trọng. Ông nhận định hai bên có rất nhiều triển vọng để hợp tác trong lĩnh vực này.
Đánh giá về thách thức trong quan hệ song phương, Tiến sĩ Shoji cho rằng dù quan hệ hai nước đang tốt đẹp, song Việt Nam và Nhật Bản vẫn cần giải quyết một số vấn đề, bao gồm cả chính sách thực tập sinh kỹ thuật. Ngoài ra, Nhật Bản và Việt Nam cần duy trì và làm sâu sắc thêm mối quan hệ bằng cách hợp tác nhiều hơn trong các lĩnh vực như kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và an ninh khu vực. Ông bày tỏ tin tưởng rằng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và an ninh của hai nước sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Shoji cũng lưu ý có nhiều vấn đề ảnh hưởng không chỉ đến Việt Nam và Nhật Bản, mà còn toàn thế giới, như biến đổi khí hậu. Mỗi quốc gia đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng khác nhau, chẳng hạn như môi trường. Do đó, ông cho rằng Nhật Bản và Việt Nam nên hợp tác để cùng nhau giải quyết những vấn đề này và đây có thể là lĩnh vực hợp tác tiềm năng trong thời gian tới.