Chuyên gia thẩm định Tiffany Arlie Sulka: "Hãy cố gắng đọc càng nhiều về chủ đề này càng tốt"

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Arlie Sulka là một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm về nghệ thuật trang trí của Tiffany Studios, về nhà thiết kế tài hoa Louis Comfort Tiffany và phong cách Art Nouveau (Tân Nghệ thuật). Bà đã gia nhập đội ngũ của phòng trưng bày Lillian Nassau LLC, New York từ năm 1980, sau đó trở thành chủ sở hữu của phòng trưng bày nổi tiếng thế giới này. Sulka là chuyên gia thẩm định thường xuyên xuất hiện trên chương trình nổi tiếng "Antiques Roadshow" của Hoa Kỳ.  
Bà Arlie Sulka tại Bảo tàng Nghệ thuật Figge.
Bà Arlie Sulka tại Bảo tàng Nghệ thuật Figge.

Lillian Nassau, người sáng lập phòng trưng bày, đã được ghi nhận là một trong những nhân vật quan trọng làm sống lại mối quan tâm và tạo ra thị trường cho các tác phẩm của Louis Comfort Tiffany và Tiffany Studios. Vào năm 1980, Nassau đã trực tiếp tuyển dụng Sulka để làm việc cùng với mình.

Hiện tại, Sulka đã trở thành một chuyên gia và nhà kinh doanh được công nhận trong lĩnh vực nghệ thuật trang trí cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Sulka là một tín đồ của các tác phẩm của Louis Comfort Tiffany và Tiffany Studios, đặc biệt là kính thổi, đèn, cửa sổ và đồ gốm. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đồ cổ, Sulka đã nghiên cứu và đàm phán mua lại hàng nghìn cổ vật cho phòng trưng bày, đã xác thực và thẩm định cổ vật và sản phẩm cho các khách hàng tư nhân và nhiều bảo tàng khác nhau ở Bắc Mỹ và Châu Âu.

Bà trực tiếp thuyết trình tại các viện bảo tàng trên khắp Hoa Kỳ, xuất bản nhiều bài báo, và là giảng viên trong Chương trình Nghiên cứu Thẩm định Giáo dục Thường xuyên NYU, thành viên của Ban Giám đốc Hiệp hội Đại lý Cổ vật và Nghệ thuật Quốc gia Hoa Kỳ.

Kể từ khi nắm quyền sở hữu Lillian Nassau LLC vào năm 2006, Sulka đã tổ chức một số cuộc triển lãm Tiffany tại phòng trưng bày và đã xuất bản hai cuốn sách "Kính Tiffany Favrile" và "Đồ gốm Tiffany Favrile" do học giả nổi tiếng và Giáo sư Danh dự Lịch sử Nghệ thuật của Đại học Rutgers, Tiến sĩ Martin Eidelberg viết.

------

PV: Theo bà, làm thế nào có thể nhận biết một chiếc đèn Tiffany nguyên bản?

Sulka: Rất khó và cần thời gian để học hỏi. Đèn Tiffany nguyên bản có những mẫu khác biệt mà các công ty khác không thể sao chép. Khi thẩm định tính xác thực của một chiếc đèn, bạn phải xem xét hoa văn, mặt kính như thế nào, cấu tạo của đèn ra sao, việc đúc đế đèn cũng như độ hoàn thiện của tác phẩm.

Tiffany đã hoạt động với quy mô rất lớn. Ông thuê các nghệ nhân rất tài năng làm việc cho mình. Chúng tôi không biết ông đã thực sự tự mình làm được bao nhiêu phần trăm công việc. Ví dụ, chúng tôi không biết chắc chắn liệu ông đã từng học thổi thủy tinh hay làm đồ gốm hay chưa, nhưng ông có một công ty lớn với những người rất giỏi làm việc cho mình. Tên của ông có trên tất cả mọi thứ. Một số tờ rơi quảng cáo từ những năm 1890 thể hiện rằng ông ấy có thể tự thực hiện mọi công đoạn, nhưng chúng tôi không có bằng chứng nào chứng minh tính xác thực của những tuyên bố này.

PV: Những tác phẩm của Tiffany có phải là độc nhất vô nhị không?

Sulka: Tất cả các mảnh thủy tinh thổi đều là độc nhất vô nhị, mỗi mảnh đều được thổi riêng. Trong khi một số giống nhau về hình thức và màu sắc, không có hai loại nào giống hệt nhau. Đèn được mô phỏng theo các mẫu lặp đi lặp lại, nhưng không có hai chiếc nào thực sự giống nhau vì phương thức lựa chọn thủy tinh không hoàn toàn như nhau.

PV: Giá bán ra của những chiếc đèn được quyết định như thế nào?

Chuyên gia thẩm định Tiffany Arlie Sulka: "Hãy cố gắng đọc càng nhiều về chủ đề này càng tốt" ảnh 1

Chiếc đèn Tiffany lấy cảm hứng từ hoa thủy tiên vàng nằm trên đế có hoa văn đầm lầy. Ảnh: Lillian Nassau

Sulka: Vào thời điểm chiếc đèn được sản xuất, chao đèn và đế đèn thường được định giá riêng. Người mua có thể chọn một chao đèn đi với đế đèn theo ý thích. Năm 1906, Tiffany có tới hơn 100 chao đèn đủ mọi kích cỡ và hình dạng.

Khi những chiếc đèn được Tiffany Studios chào bán lần đầu, các chao đèn không được định giá dựa trên màu kính. Chao đèn có hoa văn chuồn chuồn màu vàng và chuồn chuồn xanh có cùng kích thước sẽ có giá bằng nhau, cho dù tấm kính của chao đèn màu xanh nhìn rực rỡ hơn.

Tuy nhiên, ngày nay, loại thủy tinh, màu sắc của thủy tinh và hình dáng của đế sẽ ảnh hưởng đến giá của đèn đối với những nhà sưu tập. Cùng một mẫu chao đèn, một màu rất nhạt và một màu rất rực rỡ, có thể được định giá trị khác nhau đối với người sưu tập. Chao đèn có màu kính mang vẻ rực rỡ có thể đắt gấp đôi, thậm chí gấp ba giá của chao đèn có màu kính nhạt hơn.

Màu sắc là điều Tiffany quan tâm nhất. Điều đó có lẽ xuất phát từ việc ông xuất thân là một họa sĩ. Vì vậy, ông quan tâm đến màu sắc và ảnh hưởng của ánh sáng đến màu sắc.

PV: Tiffany có màu sắc đặc trưng cụ thể không?

Sulka: Hầu hết mọi người chỉ quen với những mảnh kính ánh kim màu vàng và xanh lam, nhưng những chiếc kính màu nghệ thuật tốt nhất của Tiffany chi tiết hơn rất nhiều. Kính có nhiều kết cấu và màu sắc khác nhau. Không đơn thuần chỉ có vàng và xanh.

PV: Tiffany có phải là nhà đổi mới công nghệ không?

Chuyên gia thẩm định Tiffany Arlie Sulka: "Hãy cố gắng đọc càng nhiều về chủ đề này càng tốt" ảnh 2

Chuồn chuồn là họa tiết yêu thích của Tiffany và các nghệ sĩ và nhà thiết kế theo trường phái Tân nghệ thuật khác. Ảnh: Lillian Nassau

Sulka: Đúng vậy. Quá trình thiết kế xây dựng những khung cửa sổ và đèn đòi hỏi nhiều sáng tạo và rất phức tạp. Kính phải được lựa chọn cẩn thận, cắt và đúc đồng trước khi lắp ráp.

Ở một mức độ nào đó, Tiffany coi những chiếc đèn này giống như một món hàng kinh doanh thương mại, mọi thứ ông bán thực sự là xa xỉ phẩm. Những người làm công ăn lương bình thường khó có thể mua được chiếc đèn rẻ tiền nhất vì nó có thể tốn nhiều tháng lương. Thời gian đầu khi Tiffany bắt tay vào làm đèn, chúng đã được bán như những tác phẩm nghệ thuật. Những chiếc đèn đầu tiên sử dụng nhiên liệu đốt, nhưng khi có điện, Tiffany Studios bắt đầu sản xuất đèn điện. Những chiếc đèn là những tác phẩm nghệ thuật được điện hóa.

Nhiều chiếc đèn ban đầu là đèn thủy tinh do Tiffany làm thủy tinh vào đầu những năm 1890. Các đèn thủy tinh kết hợp với đồng được trang trí công phu ra đời sau đó, với thời kỳ đỉnh cao là từ năm 1906 đến năm 1913.

Đến năm 1913, nhiều loại đèn đã ngưng sản xuất. Bạn có thể đặt hàng, nhưng công ty không còn sản xuất với số lượng lớn nữa. Sản lượng của công ty đã thay đổi khi sang những năm 1920. Đèn trở nên đơn giản hơn một chút. Và nhiều loại đèn sau này có lớp hoàn thiện bằng vàng.

PV: Có bao nhiêu người góp phần tạo nên một chiếc đèn thủy tinh kết hợp với đồng điển hình?

Chuyên gia thẩm định Tiffany Arlie Sulka: "Hãy cố gắng đọc càng nhiều về chủ đề này càng tốt" ảnh 3

Đèn kỳ nhông đỏ được coi là hiếm và được giới sưu tầm đánh giá cao. Ảnh: Lillian Nassau

Sulka: Tôi không chắc về các con số. Từ những gì chúng tôi đã tìm hiểu, nhiều phụ nữ đã tham gia vào các công đoạn chọn thủy tinh, cắt miếng và đặt lá đồng xung quanh các cạnh của thủy tinh. Tôi cho rằng Tiffany nghĩ phụ nữ có khiếu thẩm mỹ về màu sắc. Có một số nhà thiết kế nữ rất tài năng vào thời điểm đó, và ông đã nhận ra điều này. Ở những công đoạn cuối, những người đàn ông sẽ thực hiện các khâu hàn và lắp ráp đèn.

PV: Mục tiêu nghệ thuật của Tiffany đối với những chiếc đèn là gì và công chúng phản hồi như thế nào?

Sulka: Tiffany ngưỡng mộ thiên nhiên và yêu hoa. Ông muốn tái tạo những bông hoa bằng kính màu. Có những thiết kế khác ngoài hoa, nhưng phần lớn các là hoa. Tất nhiên, chuồn chuồn là một trong những chao đèn biểu tượng của ông.

Thật khó để biết chính xác có bao nhiêu chiếc được làm ra, vì đèn Tiffany không được ưa chuộng trong những năm 1940, đến mức mọi người thường lấy chao đèn ra đường, đập kính rồi bán đồng làm phế liệu. Chúng tôi không biết có bao nhiêu chiếc đèn đã bị phá hủy hoặc bị vứt bỏ trong thời gian đó. Những chiếc đèn cũng không được coi là trang nhã vào cuối thời kỳ Art Deco. Thật ngạc nhiên khi tôi gặp biết bao nhiêu người nói rằng, “Chúng tôi đã từng có một chiếc đèn. Chúng tôi không bao giờ thích nó. Chúng tôi đã bán nó đi...”. Tôi chắc chắn rằng một lượng lớn chúng đã bị phá hủy.

Chuyên gia thẩm định Tiffany Arlie Sulka: "Hãy cố gắng đọc càng nhiều về chủ đề này càng tốt" ảnh 4

Lọ hoa Jack-in-the-Pulpit có bề mặt óng ánh. Ảnh: Lillian Nassau

PV: Đèn Tiffany tập trung vào rất nhiều họa tiết Art Nouveau (Tân Nghệ thuật) cổ điển. Còn những sản phẩm khác của ông thì sao?

Sulka: Có những lọ hoa thủy tinh có hình dáng trông giống hoa, bao gồm cả một dạng phổ biến được gọi là Jack-in-the-Pulpit (một loại hoa dại ở Bắc Mỹ). Hình thức lọ hoa mô phỏng thiên nhiên, được coi là rất Art Nouveau.

PV: Giới mộ điệu thực sự bắt đầu sưu tập đèn Tiffany từ bao giờ?

Sulka: Có một sự quan tâm trở lại đối với những cây đèn vào giữa đến cuối những năm 1950. Một buổi triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại khi đó có trưng bày một số đèn Tiffany, bao gồm cả một chiếc đèn hoa Wisteria (tử đằng/đậu tía) mà bà Lillian Nassau cho mượn để trưng bày. Wisteria là một trong những loại đèn Tiffany được yêu thích và công nhận rộng rãi nhất.

PV: Một số kiểu đèn được tìm kiếm nhiều nhất hoặc nổi tiếng nhất là gì?

Sulka: Đèn Lily (hoa huệ) là một trong những loại đèn mang tính biểu tượng nhất. Đèn Wisteria và bất kỳ loại đèn hình chuồn chuồn nào cũng là đặc trưng Tiffany.

Các công ty khác không có quyền khai thác sử dụng những mảnh kính mà Tiffany làm ra. Đế đèn của ông được chế tạo bằng đồng và rất đắt tiền. Nhiều công ty khác làm đế của mình bằng kim loại trắng.

PV: Điều gì đã làm nên sự độc đáo của kính Tiffany?

Sulka: Công ty của Tiffany tự sản xuất kính và rất ít khi mua từ các nhà cung cấp khác. Kính phẳng chỉ được làm cho đèn và cửa sổ. Tiffany có thể kết hợp nhiều màu sắc khác nhau trong một tấm kính duy nhất mà không cần sơn lên.

Trước Tiffany và John La Farge, người đã làm ra một số cửa sổ kính màu rất đẹp vào thế kỷ 19, các biến thể và màu sắc của kính màu thường được thực hiện theo cách thức truyền thống là thực sự sơn lên kính.

PV: "Favrile" là gì?

Sulka: Đó là một thuật ngữ mà Tiffany tạo ra có nghĩa là đồ thủ công. Theo học giả Martin Eidelberg ở Tiffany, thuật ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Latinh “fabrilis”. Favrile được dùng để mô tả kính và một số đồ vật khác của Tiffany.

Người ta đã lầm tưởng rằng chỉ có kính Tiffany màu vàng hoặc xanh lam mới là Favrile trong khi trên thực tế, tất cả kính thổi của Tiffany đều là Favrile. Thuật ngữ đó là duy nhất đối với Tiffany - nó chỉ được sử dụng để mô tả các đồ vật và thủy tinh của ông chứ không phải thủy tinh của những người thợ thổi thủy tinh khác.

PV: Bà đánh giá ra sao về đồ gốm của Tiffany?

Sulka: Đồ gốm Tiffany không được sản xuất trong một thời gian dài. Chi tiết sản phẩm cũng dựa trên thực vật và hoa. Tiffany sản xuất những mẫu đơn giản với lớp men rất đẹp. Một số dạng đơn giản hơn cũng được sử dụng làm đế đèn.

Đồ gốm của ông không nổi tiếng bằng thủy tinh, đèn và cửa sổ, vì vậy giá cả phải chăng hơn một chút. Hầu hết những người sưu tập đồ gốm là những nhà sưu tập Tiffany, những người muốn có một bộ sưu tập đại diện toàn diện của tất cả các tác phẩm được sản xuất tại Tiffany Studios.

Ví dụ, Tiffany cũng đã sản xuất các bộ bàn làm việc bắt đầu từ đầu những năm 1900. Bạn có thể thu thập tới 40 chiếc bàn Tiffany theo một mẫu cụ thể. Đó là một lĩnh vực sưu tập thú vị vì nó không đắt như đèn, nhưng cũng giống như một dự án, cần được xây dựng và thu thập từng món một. Đây cũng là một lựa chọn ổn nếu bạn muốn tìm một món quà tặng cho những người đam mê Tiffany.

PV: Bà có thể chia sẻ thông tin về một số tác phẩm và bộ sưu tập quan trọng nhất về Tiffany?

Chuyên gia thẩm định Tiffany Arlie Sulka: "Hãy cố gắng đọc càng nhiều về chủ đề này càng tốt" ảnh 5

Mười hoa loa kèn bằng thủy tinh thổi mọc từ đế đồng. Ảnh: Lillian Nassau

Sulka: Các bộ sưu tập đồ sộ liên quan đến các tác phẩm của Tiffany nằm trong Bảo tàng Metropolitan, Bảo tàng Queens - nơi lưu giữ một phần của bộ sưu tập Neustadt, Hiệp hội Lịch sử New York - nơi lưu giữ nửa còn lại của bộ sưu tập Neustadt, Phòng trưng bày Morse ở Winter Park, Florida - nơi có nhiều thứ được trục vớt từ Laurelton Hall, nhà của Tiffany trên Long Island, Bảo tàng Chrysler ở Norfolk, Virginia, và Bảo tàng Nghệ thuật Virginia ở Richmond, Virginia. Bảo tàng Metropolitan cũng từng tổ chức một cuộc triển lãm các đồ vật ở Laurelton Hall, nhiều đồ vật được mượn từ Phòng trưng bày Morse.

PV: Vẫn còn những đồ vật có thể được khám phá?

Sulka: Tôi chắc chắn là có. Có những tư liệu về sản phẩm đã được ghi chép lại, mà cả trăm năm sản phẩm đó vẫn chưa xuất hiện. Chúng tôi luôn "đi săn". Phần lớn những gì chúng tôi mua đến từ các nhà sưu tập tư nhân.

Lillian Nassau là tổ chức đầu tiên chuyên về lĩnh vực này vào những năm 1950. Một số người cho rằng bà Nassau đã tạo ra sự quan tâm trở lại đối với Tiffany vì bà thực sự làm rất nhiều để hỗ trợ thị trường này. Vì vậy, bây giờ chúng tôi đang tìm mua những thứ Lillian đã bán vào những năm 1960. Chúng tôi thu mua lại chúng từ các điền trang, từ con cái, cháu chắt của những nhà sưu tập.

PV: Bà nghĩ gì về xu hướng sưu tập Tiffany đương đại?

Sulka: Chà, tôi không bao giờ hết ngạc nhiên rằng vẫn có một sự quan tâm to lớn đến những chiếc đèn. Ngay cả trong thời kỳ kinh tế bất ổn, chúng tôi vẫn có thể tiếp tục bán đèn. Đó dường như là trụ cột chính của doanh nghiệp.

Tôi cũng thấy nhiều nhà sưu tập mới tham gia đấu giá những chiếc đèn. Thật tuyệt khi thấy điều đó.

PV: Có nhà thiết kế nào bà muốn coi là "Tiffany của ngày hôm nay" không?

Sulka: Câu trả lời là "Không" nếu nói về phạm trù kính màu. Ngày nay, có một số nghệ sĩ kính màu rất giỏi đang làm việc, nhưng họ không phải là Tiffany Studios. Nhiều nghệ sĩ đang làm đèn theo phong cách Tiffany và họ trung thành theo các mẫu của Tiffany. Nhưng kính màu của họ không được cấu tạo hoàn toàn theo cách mà Tiffany đã chế tạo chúng.

PV: Việc sao chép mẫu mã sản phẩm của Tiffany có phải là mối bận tâm lớn hay không?

Chuyên gia thẩm định Tiffany Arlie Sulka: "Hãy cố gắng đọc càng nhiều về chủ đề này càng tốt" ảnh 6

Đèn có đế hình củ ban đầu được làm để đốt nhiên liệu. Sau đó, Tiffany đã sản xuất các phiên bản điện khí hóa cũng như đèn dầu. Một số đèn dầu đã được chuyển đổi thành điện năng. Ảnh: Lillian Nassau

Sulka: Có thể nói như vậy. Nhiều hãng đang tạo ra các bản sao khá tốt và những người điều hành các hãng này đang đặt tên tuổi của chính họ lên (thay vì nói đây là một sản phẩm Tiffany), họ không cố gắng lừa dối bất kỳ ai. Tuy nhiên, khi có tiền sẽ luôn có những kẻ giả mạo.

Trở lại năm 1980, chúng ta không có nhiều thợ rèn, nhưng giờ đây những người thợ rèn đã trở nên lành nghề hơn, việc phát hiện đèn giả vì thế cũng trở nên khó khăn hơn. Lời khuyên của tôi là luôn mua hàng từ một nguồn có uy tín và hiểu biết.

Người mua không thể cho rằng đèn có chữ ký là đèn đích thực — theo kinh nghiệm của tôi, tôi nhận thấy rằng hầu hết các hàng giả đều có chữ ký.

Nhiều chiếc kính màu của Tiffany đã được ký tên, và hầu hết những chiếc ly đều có chữ ký, nhưng cũng có những mảnh không có chữ ký. Các chữ ký khác nhau từ mảnh này sang mảnh khác. Ví dụ, các mảnh thủy tinh thổi được ký nhiều cách khác nhau, đế đèn được dập theo nhiều cách khác nhau và các chao được đánh dấu khác nhau tùy thuộc vào thời gian sản xuất của chúng. Thật không may, những kẻ giả mạo tinh vi hơn biết cách làm giả nhiều loại chữ ký.

PV: Bà có lời khuyên nào cho người mới sưu tập Tiffany?

Sulka: Cố gắng đọc càng nhiều về chủ đề này càng tốt. Tìm danh mục sản phẩm từ các Bảo tàng. Như danh mục cho cuộc triển lãm “A New Light on Tiffany: Clara Driscoll and the Tiffany Girls” (Ánh sáng mới của Tiffany: Clara Discoll và những cô gái của Tiffany), được xuất bản bởi Hiệp hội Lịch sử New York vào năm 2007, và danh mục “ Tiffany Glass A Passion for Colour” (Kính của Tiffany: Niềm đam mê với sắc màu) được xuất bản trong cuộc triển lãm cùng tên tại Bảo tàng Nghệ thuật Montreal.

Ghé thăm càng nhiều bộ sưu tập trong bảo tàng của Tiffany càng tốt — chỉ cần tiếp tục học hỏi trau dồi bản thân. Nếu bạn định mua, hãy cố gắng tìm và học hỏi từ một đại lý uy tín.

Lillian Nassau tin tưởng vào việc phổ cập kiến thức cho khách hàng của mình khi họ mua thứ gì đó từ bà. Bà ấy thích dạy mọi người, và đó là lý do tại sao bà sở hữu một lượng khách hàng lớn và trung thành như vậy. Tôi đang tiếp tục truyền thống đó.

Theo Collectors Weekly, RCReader (tổng hợp và lược dịch)
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.