CIEM: Giới thiệu ấn phẩm "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam"

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngày 26/7/2024, trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam”. Hội thảo do ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM và bà Mette Ekeroth, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đồng chủ trì. 
CIEM: Giới thiệu ấn phẩm "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam"

Hội thảo tập trung vào việc công bố báo cáo, với trọng tâm là hệ thống hóa và làm rõ một số khái niệm cơ bản, khung phân tích về thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Thông qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong DNNVV, nghiên cứu rút ra bài học cho Việt Nam. Cùng với nội dung phân tích thực trạng thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, báo cáo nghiên cứu đề xuất định hướng giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong thời gian tới.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương nhấn mạnh rằng đổi mới sáng tạo xanh trong các DNNVV bao gồm mọi hoạt động nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Điều này có thể đạt được qua việc sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn, chẳng hạn như giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện khả năng tái chế sản phẩm đã qua sử dụng, tận dụng vật liệu tái chế, và sử dụng tài nguyên cũng như năng lượng một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Hoạt động đổi mới sáng tạo xanh có thể bao gồm việc cải tiến thiết bị, sản phẩm, quy trình, chính sách và các dự án theo hướng bảo vệ môi trường. Những nỗ lực này không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và nâng cao khả năng sinh lời trong chuỗi giá trị mà còn đảm bảo doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định ngày càng nghiêm ngặt. Đồng thời, đổi mới sáng tạo xanh còn thu hút đầu tư và tăng cường năng suất cũng như năng lực công nghệ của doanh nghiệp.

Thực trạng đổi mới sáng tạo xanh ở Việt Nam

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Thị Luyến, Trưởng Ban Nghiên cứu Thể chế CIEM, đã trình bày một số kết quả nghien cứu chính về "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam".

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát doanh nghiệp tại 6 địa phương (Hải Phòng, Hải Dương, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Đồng Nai), gặp gỡ trao đổi với các chuyên gia, các Sở, ngành, địa phương, viện nghiên cứu…

Bộ tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh đã được báo cáo đề xuất, trên cơ sở đó 30 doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo xanh được lựa chọn tại các địa phương khác nhau. Các câu chuyện của các doanh nghiệp với mong muốn truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, lan toả tinh thần đổi mới sáng tạo xanh.

Ở Việt Nam, đổi mới sáng tạo xanh đã được các doanh nghiệp, trong đó có DNNVV, quan tâm thực hiện ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, hàng tiêu dùng, xử lý chất thải, năng lượng, chế biến thực phẩm,...

Tại nhiều địa phương, chính quyền và doanh nghiệp đã nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới sáng tạo theo hướng xanh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi để bắt kịp với sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt các yêu cầu của thị trường quốc tế. Nhiều mô hình kinh tế hướng tới thân thiện với môi trường được doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã đẩy mạnh áp dụng như kinh tế dưới tán rừng, kinh tế tuần hoàn, du lịch tái tạo, du lịch sinh thái, nông nghiệp xanh, giao thông xanh,...

Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo xanh thông qua thực hành ESG (thực hiện đổi mới sáng tạo trong trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị), đổi mới công nghệ sản xuất sạch hơn, xanh hóa sản xuất nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm thực hiện.

CIEM: Giới thiệu ấn phẩm "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam" ảnh 1
Ấn phẩm "Thúc đẩy đổi mới Sáng tạo Xanh trong Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam" giới thiệu câu chuyện của 30 DNNVV đổi mới sáng tạo trên khắp cả nước. Ấn phẩm do ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM và bà Nguyễn Thị Luyến, Trưởng Ban Nghiên cứu Thể chế kinh tế CIEM đồng chủ biên.
CIEM: Giới thiệu ấn phẩm "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam" ảnh 2
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát doanh nghiệp tại 6 địa phương (Hải Phòng, Hải Dương, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Đồng Nai), gặp gỡ trao đổi với các chuyên gia, các Sở, ngành, địa phương, viện nghiên cứu…

Bà Mette Ekeroth, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, cho biết báo cáo chỉ ra rằng các DNNVV Việt Nam phản ứng nhanh với thách thức và yêu cầu mới, thử nghiệm mô hình mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, họ vẫn gặp khó khăn trong đổi mới sáng tạo xanh.

Tại Đan Mạch, DNNVV chiếm 97% tổng số doanh nghiệp. Đan Mạch dựa vào sức mạnh tập thể và sự đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp này để thực hiện chuyển đổi xanh. Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ các DNNVV qua các chương trình liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính, công nghệ thu giữ carbon, và kinh tế tuần hoàn.

Ở Việt Nam, mặc dù được quan tâm thực hiện nhưng hoạt động đổi mới sáng tạo xanh trong DNNVV còn khá hạn chế. Mức độ ứng dụng và cập nhật công nghệ trong doanh nghiệp còn khá thấp, các sản phẩm sản xuất ra có giá trị gia tăng không cao, sản phẩm mới với doanh nghiệp nhưng ít mới với thị trường.

Phương thức đổi mới sáng tạo xanh phổ biến được nhiều DNNVV thực hiện là điều chỉnh những sản phẩm hiện có cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, phù hợp với điều kiện vận hành ở địa phương, hoặc thực hiện đổi mới quy trình dựa trên các sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm khắc phục những lỗi kỹ thuật phát sinh từ thực tiễn sản xuất hay cải tiến hệ thống sản xuất hiện có. Do hàm lượng công nghệ trong các DNNVV còn thấp, các doanh nghiệp chủ yếu “đổi mới xanh” trong việc sử dụng nguyên liệu đầu vào (đối với doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm), áp dụng quy trình tuần hoàn (doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản). Số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ xanh hơn thực sự chưa nhiều.

CIEM: Giới thiệu ấn phẩm "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam" ảnh 3

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

CIEM: Giới thiệu ấn phẩm "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam" ảnh 4

Toàn cảnh hội thảo.

Tồn tại khoảng trống pháp lý trong hệ thống giải pháp chính sách

Trên thực tế, hệ thống giải pháp chính sách về đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng chưa thực sự đồng bộ, nhất quán, chậm được hướng dẫn và vẫn còn những khoảng trống pháp lý.

Cụ thể, chúng ta chưa có khái niệm, quy định về tiêu chí xác định doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Các chính sách hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh chủ yếu là các chương trình tập huấn và đào tạo, trong khi doanh nghiệp có nhu cầu lớn về hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, tài chính và kết nối chuỗi cung ứng. Các chính sách hỗ trợ phát triển xanh, hướng đến tiêu dùng xanh còn chưa thực sự đồng bộ. Các chính sách thúc đẩy sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh chưa tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp đầu tư thay đổi dây chuyền công nghệ để tạo ra những chuyển biến đáng kể về công nghệ và quy trình sản xuất.

Tín dụng xanh chưa phổ biến, số lượng doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng xanh còn ít. Việc phát triển thị trường tài chính xanh còn nhiều khó khăn, các bên tham gia hạn chế, thiếu vắng nhà đầu tư có tổ chức tham gia thị trường tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu xanh.

Việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo xanh ở hầu hết các địa phương thường tập trung thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chưa quan tâm đúng mức đến thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của chính những doanh nghiệp đang hoạt động.

CIEM: Giới thiệu ấn phẩm "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam" ảnh 5

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và bà Mette Ekeroth, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam.

Để tiếp tục thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo xanh trong các DNNVV tại Việt Nam, báo cáo nghiên cứu của CIEM nhấn mạnh rằng cần thiết phải có các quy định cụ thể hơn về đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo xanh. Đồng thời, cần xây dựng một hệ thống tiêu chí rõ ràng để xác định các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh, làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp.

Về lâu dài, cần tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ thống chính sách hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo xanh. Điều này bao gồm việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chính sách về thuế, tài chính, và đầu tư; chính sách về thị trường và tiêu dùng; cũng như các chính sách giáo dục, đào tạo, nghiên cứu và phát triển. Ngoài ra, cần có chính sách phát triển công nghiệp môi trường cho các sản phẩm, thiết bị và công nghệ hỗ trợ đổi mới sáng tạo xanh, và các chính sách khuyến khích sự liên kết giữa các ngành, lĩnh vực, và địa phương trong việc thực hiện đổi mới sáng tạo xanh. Cuối cùng, cần xây dựng các chương trình hỗ trợ DNNVV trong việc thực hiện đổi mới sáng tạo xanh và chuyển đổi xanh.

Báo cáo nghiên cứu của CIEM khuyến nghị rằng, bên cạnh việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các bên cần tăng cường các hoạt động đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo xanh trong các DNNVV hiện tại. Cần tập trung vào các chính sách khuyến khích, hỗ trợ R&D và đầu tư để nâng cao trình độ và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, qua đó củng cố sự đổi mới và thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng dựa trên các ý tưởng và sáng kiến mới.

Cận cảnh vị trí nơi trước đây từng tồn tại 02 bức tường ngăn cách lối đi riêng giữa hộ gia đình ông Cường và bà Loan.
Người dân “gặp khó” khi thực hiện theo chỉ đạo của chính quyền?
(Ngày Nay) - Trong quá trình thực hiện chỉ đạo của UBND phường Kim Mã, đó là phục hồi nguyên trạng bức tường ngăn cách giữa hai hộ đã bị hàng xóm phá sập trong quá trình xây dựng nhà, gia đình ông Nguyễn Phi Cường đã bị hàng xóm ngăn cản, chửi bới, thậm chí đe doạ tính mạng. Chính quyền địa phương dù đã nắm được sự việc, nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để…
Nhiều phụ nữ Hàn Quốc lựa chọn cuộc sống độc thân. Ảnh: 123rf
Tỉ lệ phụ nữ Hàn Quốc chọn sống độc thân ngày càng cao
(Ngày Nay) - Ở bất cứ đâu, việc tìm kiếm một nửa để đồng hành suốt cuộc đời đều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, giới trẻ Hàn Quốc lại càng cảm thấy khó khăn hơn khi những tiêu chuẩn về một người bạn đời lý tưởng ngày càng cao, trong khi cơ hội để gặp gỡ và tìm hiểu nhau lại khá hạn chế.