Đánh giá về sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm qua, Đại sứ Prytz cho rằng, về nhiều mặt, 2023 là một năm khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu. Là một nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu, Việt Nam rõ ràng cũng không miễn nhiễm khỏi các khó khăn này, có thể thấy qua xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã giảm gần 10% trong năm 2023.
“Tuy nhiên, với mức tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt khoảng 5%, có thể nói rằng bất chấp những trở ngại nêu trên, Việt Nam đã làm khá tốt so với các quốc gia khác. Trên thực tế, Việt Nam là một trong những nền kinh tế vận hành tốt nhất trong khu vực và trên thế giới”, Đại sứ nhận xét.
Theo Đại sứ Nicolai Prytz, nhiều thách thức nói trên có tính chất chu kỳ và nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trên 6% khi nhu cầu bên ngoài phục hồi và có thêm động lực. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng đang tăng lên, phản ánh niềm tin cao của nhà đầu tư nước ngoài vào tăng trưởng kinh tế trong tương lai ở Việt Nam.
Đại sứ Nicolai Prytz nhận xét để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần phát triển ngành năng lượng đi đôi với quá trình chuyển đổi xanh. Việt Nam cũng cần có những cải cách và triển khai các biện pháp chính sách vững chắc nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư nước ngoài – một nguồn tài chính cho quá trình chuyển đổi xanh.
Về triển vọng của quan hệ hợp tác song phương sau khi Đối tác Chiến lược Xanh Việt Nam-Đan Mạch (GSP) được thiết lập, Đại sứ Nicolai Prytz khẳng định rằng GSP sẽ mở ra một loạt cơ hội mới và đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới.
Ở cấp độ chính trị, Đan Mạch kỳ vọng sẽ có thêm các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước, giúp tăng cường đối thoại chính sách giữa hai nước về các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu.
Về hợp tác kỹ thuật giữa hai chính phủ, hai nước đã có nền tảng vững chắc qua nhiều năm hợp tác hiệu quả trong năm lĩnh vực chiến lược: năng lượng, thực phẩm và nông nghiệp, y tế, giáo dục, và thống kê. Hợp tác trong những lĩnh vực này rõ ràng sẽ tiếp tục và được tăng cường hơn nữa nhờ Đối tác Chiến lược Xanh.
Cuối cùng, ở cấp độ hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, Đại sứ quán sẽ tiếp tục đóng vai trò là cầu nối và khuyến khích các công ty Đan Mạch tiềm năng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi xanh.
“Việt Nam là quốc gia thứ năm mà Đan Mạch thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh, cùng với Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nam Phi. Điều này phản ánh mức độ ưu tiên rất cao mà chúng tôi dành cho quan hệ song phương với Việt Nam,” Đại sứ nhấn mạnh.
Đại sứ Prytz khẳng định trong khuôn khổ GSP, Đan Mạch sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt cả hai mục tiêu là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Kinh nghiệm của Đan Mạch cho thấy hai mục tiêu này hoàn toàn có thể đồng thời trở thành hiện thực.
Theo ông Nicolai Prytz, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chương trình hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch rất hữu ích do sự hợp tác của hai bên tập trung vào các khía cạnh liên quan đến chuyển đổi năng lượng như quy hoạch dài hạn cho hệ thống năng lượng, đấu nối hiệu quả năng lượng gió và mặt trời vào hệ thống điện quốc gia, cũng như cải thiện việc sử dụng năng lượng có hiệu quả trong ngành công nghiệp.
Đại sứ cho rằng để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, Chính phủ Việt Nam cần thông qua những chính sách tham vọng và các khung pháp lý rõ ràng nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư tiềm năng tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.
Chẳng hạn, các nhà đầu tư Đan Mạch sẵn sàng đầu tư lớn vào các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam với tiềm năng cung cấp điện cho hàng triệu hộ gia đình, cải thiện an ninh năng lượng và giảm phát thải hàng trăm triệu tấn CO2, nhưng các nhà đầu tư cũng cần sự đảm bảo.
“Với các chính sách rõ ràng và khung pháp lý thuận lợi, tôi tin chắc rằng Việt Nam có thể trở thành một trung tâm điện gió ngoài khơi trong khu vực, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực cho các dự án tương tự bởi các khoản đầu tư tư nhân lớn sẽ đổ vào sản xuất trong nước và đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động”, Đại sứ Nicolai Prytz nói.
Chia sẻ cảm nhận của mình về Tết nguyên đán sắp đến của Việt Nam, Đại sứ Nicolai Prytz cho biết mặc dù mới chỉ đón một cái Tết ở Việt Nam, nhưng ông đã có ấn tượng tích cực và sâu sắc.
“Dù có là một người nước ngoài thì cũng không khó để cảm nhận được niềm vui khi các gia đình đoàn tụ, tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong sức khỏe và thịnh vượng trong năm mới. Tết năm ngoái cũng giúp tôi có thêm trải nghiệm về ẩm thực Việt Nam khi tôi được nếm rất nhiều món ăn truyền thống của các bạn – kể cả bánh chưng nữa”, Đại sứ Nicolai Prytz bày tỏ.