"Bà Clinton đang có lợi thế và sẽ thắng trong cuộc bầu cử này", Giáo sư David Schultz, Đại học Hamline, Mỹ, chia sẻ với VnExpress khi so sánh tương quan giữa cựu ngoại trưởng và tỷ phú Trump. Theo chuyên gia này, tính đến ngày 6/11, bà Clinton dường như vượt hơn ông Trump ở các bang chiến trường chủ chốt.
Về phía ứng viên đảng Cộng hòa, Trump cần giành chiến thắng ở tất cả các bang mà ứng viên Mitt Romney từng giành được trong cuộc đua với Barack Obama hồi 2012, trong đó có Bắc Carolina. Tỷ phú cũng cần chiếm giữ ưu thế ở các bang Ohio, Florida, và có thể là Pennsylvania (thường không được xem là bang chiến trường). Tuy nhiên ông Trump đang tụt lại phía sau ở Bắc Carolina và nếu không giành được bang này, khả năng đắc cử của Trump gần như là không thể.
"Hai ứng viên cần phải giành lấy từng bang một, vì phiếu phổ thông không quyết định người nào sẽ trở thành tân tổng thống Mỹ, mà phụ thuộc vào phiếu của cử tri đoàn", Giáo sư Schultz nhấn mạnh.
Hiện có 10 bang bà Clinton và ông Trump giành giật quyết liệt, đó là Colorado, Florida, Iowa, Nevada, New Mexico, Bắc Carolina, Ohio, Virginia và Wisconsin.
Ông Schultz đánh giá bà Clinton nhìn chung có khả năng giành số phiếu cao hơn ông Trump và có nhiều tiền hơn để "tăng tốc".
Trên phương diện các cuộc thăm dò, Aubrey Jewett, Giáo sư tại Đại học Central Florida, cho biết mặc dù sự chênh lệch giữa ông Trump và bà Clinton không lớn nhưng người dân Mỹ vẫn tỏ ra yêu thích cựu ngoại trưởng hơn.
"Bà Clinton vẫn dẫn trước ở các bang đủ để bà giành được phần lớn phiếu của đại cử tri, chẳng hạn ở Florida, bà dẫn trước có 1%. Do đó nếu các cuộc thăm dò chính xác và không thay đổi trước ngày 8/11 thì bà Clinton sẽ trở thành tân tổng thống Mỹ", ông Jewett nói.
Chuyên gia của Đại học Central Florida cũng tỏ ra thận trọng khi nói về tỷ phú Trump, do khoảng cách giữa hai ứng viên rất nhỏ nên không loại trừ khả năng ông Trump đắc cử. Chẳng hạn như ở Florida, sai số thăm dò là khoảng 3 điểm phần trăm, vì thế 1% dẫn trước của bà Clinton có thể thuộc về tỷ phú. Điểm mấu chốt là các khảo sát cho thấy bà Clinton dẫn trước với khoảng cách nhỏ có thể đúng và ông Trump vẫn có thể thắng.
"Mặc dù đưa ra kịch bản này nhưng tôi vẫn nghĩ bà Clinton sẽ giữ được đà và đánh bại đối thủ với khoảng cách nhỏ và trở thành tổng thống", ông Jewett cho hay.
Cơ sở để chuyên gia này tin tưởng vào lợi thế của cựu ngoại trưởng là vẫn có khoảng cách giới rộng trong số nữ giới bầu cho bà Clinton. Tổng số phiếu của người gốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ ở mức cao và dành ưu ái cho bà Clinton, số phiếu trong nhóm người Mỹ gốc châu Á cũng cao hơn bình thường và cũng giúp ích cho cựu ngoại trưởng. Trong khi đó, người Mỹ đã bị chia rẽ quá mức, vì thế sẽ không có đủ phiếu cho Trump để ông chiến thắng. Các nhóm chủ yếu ủng hộ Trump là tầng lớp lao động và trung lưu da trắng.
Giáo sư David Barrett, Đại học Villanova, bày tỏ lý do lớn nhất để bà Clinton sẽ trở thành tân tổng thống là quá nhiều người nhận thấy việc ông Trump thắng cử là "không thể chấp nhận nổi". Ông Trump không có tính khí phù hợp để đảm nhận chức vụ này.
Tỷ lệ bầu cho Trump và Clinton theo phiếu đại cử tri từng bang. Nguồn: Yahoo |
Nguy cơ sau bầu cử
Khi được hỏi cảm nhận về bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, Giáo sư Schultz cho biết đây là cuộc bầu cử "có lẽ là tiêu cực nhất trong 100 năm". Cả hai ứng viên đều ít được yêu thích nhất trong 40 năm. Chiến dịch tranh cử của hai ứng viên đều gây chia rẽ và lý do để họ tranh cử chỉ vì "họ không tồi tệ như đối thủ của mình".
"Bất kể chuyện gì xảy ra, nước Mỹ sau bầu cử sẽ trở nên suy yếu hơn và chia rẽ hơn, không ứng viên nào có được sự ủy nhiệm để dẫn dắt đất nước. Nó sẽ là một mô hình bế tắc kéo dài ở Mỹ", ông Schultz cảnh báo.
Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu chính trị, Giáo sư Barrett cho hay cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay "rất thú vị", nhưng với tư cách một công dân Mỹ, ông ghét bỏ nó vì nó "quá bẩn thỉu", "đặc biệt là Trump, ông ta đã nói dối quá nhiều".
Đồng tình với ý kiến này, Giáo sư David Cohen, Đại học Akron cho biết đây là cuộc bầu cử "đáng sợ" nhất mà ông từng chứng kiến, dù ai chiến thắng trong cuộc đua năm nay, tân tổng thống sẽ phải đối phó với một quốc gia bị phân cực với nhiều thách thức lớn phía trước.
Ông Cohen dự báo bà Clinton sẽ chiến thắng nhưng nhấn mạnh bà sẽ phải đối mặt với sự thù địch của Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số. Bà cũng sẽ có ít cơ hội để thông qua các dự luật lớn. Do đó có thể bà sẽ tập trung vào chính sách ngoại giao. Chuyên gia của Đại học Akron cho hay ông khá bi quan về sự thành công của tân tổng thống, đặc biệt là về các vấn đề đối nội.
"Không giống như hầu hết các cuộc bầu cử khác, tân tổng thống sẽ không được hưởng kỳ trăng mật ngọt ngào hay được đón nhận những lời chúc tốt đẹp", ông Cohen nói.