Vitamin B12 (hay còn gọi là Cyanocobalamin) là một trong những vitamin thiết yếu cho việc sản xuất hồng cầu cho cơ thể. Loại vitamin này hỗ trợ chức năng của các tế bào thần kinh, giúp sản xuất myelin tăng cường hoạt động của tế bào thần kinh. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng chỉ ra tầm quan trọng của vitamin B12 trong qua trình sao chép ADN.
Vitamin B12 có nhiều trong các loại thịt, cá, trứng và các sản phẩm từ sữa. Do đó, những người có chế độ ăn chay thường có nguy cơ cao thiếu hụt vitamin B12.
Nếu không cung cấp vitamin B12, hoạt động trí não và hệ tuần hoàn của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, việc tìm hiểu các dấu hiệu nhận biết thiếu vitamin B12 rất quan trọng. Cùng tìm hiểu xem những dấu hiệu cơ thể có khả năng thiếu hụt loại vitamin quan trọng này nhé.
Bề mặt lưỡi mịn và bóng láng
Khoảng một nửa số người thiếu hụt vitamin B12 thường ít có cảm giác gai vị giác (papillae) ở bề mặt lưỡi. Khi ấy, bạn cảm giác hơi đau rát vùng lưỡi, vị giác giảm sút. Thậm chí, khi bạn ăn thực phẩm cay cũng không có cảm giác gì.
Cơ thể có cảm giác như kim châm
Khi cơ thể thiếu hụt vitamin B12, tế bào thần kinh có thể bị hủy hoại. Điều này khiến cho bạn có cảm giác như kim châm ở tay và chân. Theo giáo sư Joshua Miller, chuyên gia dinh dưỡng học tại Đại học Rutgers, New Brunswick, bang New Jersey, Mỹ: "Cảm giác này sẽ kéo dài liên tục nếu cơ thể không được cung cấp đủ lượng vitamin B12 cần thiết".
Cơ thể mất thăng bằng
Nếu các tế bào thần kinh không được bảo vệ bởi vitamin B12, các dây thần kinh ở tủy sống (đoạn nối dài tới tứ chi) có thể yếu đi, khiến cơ thể không đứng vững được. Nếu không mang giày cao gót mà vẫn vấp té thường xuyên thì hãy xem chừng cơ thể bạn đang thiếu vitamin B12 đấy.
Chứng hay quên xảy ra thường xuyên
Các tế bào thần kinh bị tổn hại có thể khiến bạn hay quên, đầu óc mơ hồ, lộn xộn. Nếu bạn đột nhiên quên tên một quán ăn yêu thích, hoặc quên vị trí chìa khóa thường xuyên, bạn nên bắt đầu đi kiểm tra tổng quát. Nếu để tình trạng thần kinh bị tổn thương lâu dài, bệnh lý có thể phát triển nhanh hơn và tình thế không đảo ngược được. Về lâu dài, bạn có khả năng mắc bệnh mất trí nhớ mãn tính, theo giáo sư Miller.
Bạn bị stress và thường xuyên gắt gỏng
Thiếu hụt vitamin B12 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý, khiến bạn thường xuyên bị căng thẳng và lo âu. Nguyên nhân là do nồng độ thấp vitamin B12 ảnh hưởng lên việc sản sinh các chất dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh tâm trạng như serotonin và dopamine.
(Theo Trí thức trẻ)