Có một day dứt mang tên GDP

Chấp nhận hy sinh một phần tăng trưởng để đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân, Thủ tướng day dứt nghĩ đến việc chẳng đặng đừng là điều chỉnh chỉ tiêu GDP, bởi điều chỉnh cũng là buộc phải chấp nhận thực tế nhiều người dân sẽ nghèo đi.
Kinh tế Việt Nam trong 3 năm 2017, 2018, 2019 đã đạt mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới.
Kinh tế Việt Nam trong 3 năm 2017, 2018, 2019 đã đạt mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới.

Tưởng như đã không gì có thể cản bước Chính phủ trên con đường phát triển kinh tế. Vậy mà, trong năm áp chót của nhiệm kỳ, “cơn bão” Corona bất thần ập đến, điều không bao giờ muốn nghĩ đến đã buộc phải nghĩ đến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thấy, quyết tâm cao độ nhưng không thể duy ý chí. Và ông day dứt trong phép tính thêm mỗi phần trăm hao tổn GDP là thêm mỗi cuộc đời có thể bị bỏ lại phía sau.

Vào đầu năm 2017, nhiều động lực tăng trưởng chính như khai khoáng, nông nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu gặp khó khăn, kinh tế vĩ mô chịu nhiều áp lực về lạm phát, tỷ giá, nợ công cao, nợ xấu ngân hàng tăng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống nếu không được xử lý thực chất; nguy cơ giảm sút đầu tư nước ngoài khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thông qua...

Lúc đó nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Cảm ơn về sự chia sẻ, đồng cảm này, nhưng Thủ tướng nhất quyết kiên định phải đạt mục tiêu tăng trưởng cao và rất cao, vì có như vậy thì mới có nguồn lực, có đà, có khí thế để chấn hưng đất nước.

Thủ tướng đã dẫn dắt Chính phủ thực hiện thành công mục tiêu như vậy.

Cũng cần phải nhắc thêm rằng, 3 năm đầu trong nhiệm kỳ này của Chính phủ phải đối mặt với hàng loạt căn bệnh trầm kha như nhiều dự án “đắp chiếu”, làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí; tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe", kỷ cương phép nước bị buông lỏng ở nhiều nơi; thiên tai gây thiệt hại nặng nề ở cả miền Bắc, miền Trung, Nam Trung bộ và Tây Nguyên…

Nhiệm kỳ mới, cũng là thời điểm đất nước bắt đầu một cuộc chiến với tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và lãnh đạo, với mức độ mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử chống giặc nội xâm.

Khi lãnh đạo cuộc chiến này, yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt ra với Chính phủ là kinh tế phải luôn tiến bước, năm sau hơn năm trước, nếu không, giặc nội xâm sẽ được che chắn bởi luồng quan điểm, chống tham nhũng làm mạnh quá có thể làm chậm lại sự phát triển của đất nước.

Trập trùng khó khăn xuất hiện trong điều hành của Chính phủ khi diễn ra quá trình “thay máu” bộ máy, như cách nói của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, “gột rửa sạch nhem nhuốc từ trên xuống”.

Lần đầu tiên kể từ sau ngày thống nhất đất nước, hàng loạt cán bộ cao cấp từ trung ương đến địa phương bị xử lý kỷ luật, thậm chí có không ít người phải cúi đầu nhận tội ở chốn pháp đình…

Theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, mặt trận kinh tế đã mang về những kết quả đầy khích lệ. Kinh tế 3 năm 2017, 2018, 2019 tạo nên thời kỳ của các kỷ lục. GDP ở mức cao hàng đầu thế giới, cả hai năm 2018, 2019 đều tăng vượt ngưỡng 7% bất chấp bối cảnh tăng trưởng ảm đạm trên toàn cầu.

Người đứng đầu Đảng và Nhà nước tự hào khẳng định, “chống tham nhũng không hề làm "chùn" sự chỉ đạo hay làm "chậm lại" sự phát triển, mà ngược lại”

Nhìn lại đoạn đường đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thấy, “có những hoàn cảnh và thời điểm, chúng ta thực sự đứng trước những khó khăn rất lớn, không nằm trong mọi kịch bản hay dự đoán. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua”

Chỉ gói lại bấy nhiêu từ “tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua”, là cả sự nỗ lực không mỏi mệt của Thủ tướng và cả bộ máy Chính phủ.

Trước sức nóng phả ra dữ dội từ mặt trận chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tạo nên được sự thống nhất cao độ từ Trung ương đến địa phương cùng đưa kinh tế đi lên.

Ngay sau khi được Quốc hội bầu làm Thủ tướng vào tháng 4/2016, Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo hàng loạt hội nghị xúc tiến đầu tư tại các địa phương, nhất là tại một số tỉnh, thành có xáo trộn về nhân sự lãnh đạo. Sự có mặt của ông tại những nơi đó mang đến niềm tin, cũng như sự yên tâm gấp bội cho các nhà đầu tư.

Như khi Thủ tướng đến dự và chỉ đạo Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Hậu Giang vào tháng 9/2017. Đó là thời điểm Bí thư tỉnh này xin nghỉ hưu sớm và đang chờ quyết định từ Bộ Chính trị, trong khi đó, Bí thư mới chưa rõ là ai. Thủ tướng mang không khí phấn chấn cho cả Hội nghị, khi ông nói, “Hậu Giang gạo trắng nước trong/ai đi đến đó thì không muốn về…”

Thủ tướng còn kêu gọi các địa phương, các Bộ ngành dám từ bỏ quyền lợi cục bộ để thực sự “xắn tay” đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp cùng vì sự phát triển chung của nền kinh tế.

Càng nhìn lại thành quả, Thủ tướng càng day dứt cho những ngày phía trước, khi tới đây, có thể Chính phủ sẽ phải cân nhắc khả năng điều chỉnh mục tiêu kinh tế xã hội.

Song, có lẽ mọi người sẽ cảm thông với điều này.

Bởi niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm của cả bộ máy chính trị trong việc giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, từ công cuộc chống tham nhũng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, miền núi, dân tộc… chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này. Khi tất cả những gì mà người dân đang thấy là một Chính phủ vì dân. Trong mọi hoàn cảnh, Chính phủ sẽ nỗ lực cao nhất chăm lo cuộc sống cho những người yếu thế nhất!

Chắc chắn, Thủ tướng còn gặp lại ánh mắt, nụ cười tràn ngập niềm tin của họ khi đến những vùng khó khăn, xa xôi, như ông đã luôn gặp trong những năm qua.

Theo Chính phủ
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.