Thủ tướng: Không để nền kinh tế "đổ gục" vì Covid-19

Thủ tướng nhấn mạnh, phải vực dậy nền sản xuất trong nước để giải quyết việc làm, tăng trưởng, không để đổ gục trước tình hình khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các biện pháp phục hồi nền kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các biện pháp phục hồi nền kinh tế.

Chiều nay, 27/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ, bàn các nội dung chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó Covid-19.

GDP tăng trưởng khoảng 3,82%, mức thấp nhất cùng kỳ trong 15 năm qua 

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chống dịch là nhiệm vụ chính trị số 1 ở nước ta hiện nay. Thủ tướng đã ký một Chỉ thị rất quan trọng về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 với nhiều biện pháp “tiền khẩn cấp” ở Việt Nam. Một số biện pháp gần như mang tính phong tỏa trước bối cảnh dịch có thể bùng nổ ở nước ta. 

Thủ tướng cho biết, trước tác động của dịch, IMF và hãng tin Bloomberg nhận định, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 0% trong năm nay, một số nước tăng trưởng âm. Trong khi đó, Liên hợp quốc nhận định một cuộc suy thoái mới, lớn hơn 2008, sẽ diễn ra đối với toàn cầu.

Thủ tướng cho biết Thủ tướng đã dự Hội nghị trực tuyến các nước G20 hôm qua, ở đó tổng thống, thủ tướng các nước đều nhấn mạnh phải vực dậy nền kinh tế sau khó khăn. Ví dụ như Mỹ tuyên bố giảm lãi suất bằng 0%, quốc hội Mỹ cũng đã thông qua gói hỗ trợ 2.000 tỷ USD với 96% ủng hộ và không có phiếu trống. Đây là gói hỗ trợ lớn nhất lịch sử nước Mỹ. Các nước G20, Đông Nam Á, châu Á cũng đều đưa ra những gói kích thích kinh tế... 

Với độ mở nền kinh tế lớn, nước ta cũng bị tác động mạnh do dịch. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều rất khó khăn. Khó khăn nữa là hạn hán, mặn xâm nhập, dịch tả lợn châu Phi. Cùng với đó, giá dầu thế giới đang giảm, chỉ còn 21 USD/thùng, trong khi dự toán ngân sách Nhà nước năm nay là 60USD/thùng.  

Với việc Covid-19 ảnh hưởng đến mọi ngõ ngách đời sống xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, phải vực dậy nền sản xuất trong nước để giải quyết việc làm, tăng trưởng, không để đổ gục trước tình hình hết sức phức tạp và khó khăn hiện nay. Chính vì vậy, Chính phủ sẽ tổ chức một hội nghị toàn quốc vào ngày 31/3 tới đây với sự tham dự của tất cả chủ tịch, bí thư các tỉnh, thành phố; các bộ trưởng; các cơ quan của Quốc hội để bàn giải pháp. 

Tại hội nghị này, các bộ trưởng sẽ trình bày các chương trình, giải pháp của bộ, ngành mình, khắc phục tốt nhất các khó khăn do dịch gây ra đồng thời lắng nghe các ý kiến tư vấn, góp ý từ hội nghị. Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị này thể hiện sự chủ động của Chính phủ từ sớm, thay vì để tình trạng quá xấu mới bàn giải pháp khắc phục.

Trong đó, một trong 4 nội dung lớn chính là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bởi nếu không thì không có việc làm và không thể có tăng trưởng, nhất là trong quý 1 năm nay tăng trưởng chỉ khoảng 3,82%, mức thấp nhất cùng kỳ trong 15 năm qua.  

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là lĩnh vực đình đốn lớn nhất, gần như các tập đoàn, tổng công ty, cả tư nhân và nhà nước đều ngừng trệ. Có những doanh nghiệp chỉ có doanh thu từ 3-5% so với cùng kỳ quý 1 năm trước. Ví dụ chúng ta dự đoán đón 20 triệu khách quốc tế bằng đường hàng không, nhưng vừa qua, gần như khách quốc tế không đến Việt Nam. Các hãng hàng không vô cùng khó khăn. Đi liền với đó là khách sạn gần như 100% đóng cửa. Chúng ta yếu cả cung và yếu cả cầu trong kinh tế. Do đó, phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Chúng ta phải tìm thấy một thị trường mới ở trong nước và những thị trường mới, lớn ở nước ngoài trong bối cảnh nhiều hiệp định như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Đặc biệt thị trường nội địa 100 triệu dân Việt Nam phải như thế nào?

Giải ngân hết 30 tỷ USD

Đối với lượng vốn đầu tư công lên đến trên 30 tỷ USD, gồm cả vốn ngân sách và vốn vay, Thủ tướng nêu rõ, hội nghị cần bàn giải pháp để giải ngân hết số vốn này.

Theo Thủ tướng, 3 tháng đầu năm dù có cố gắng, nhưng khối lượng vốn vay và vốn ngân sách Nhà nước đều còn rất lớn. Làm sao phải giải ngân hết số vốn này, coi đó là phần quan trọng để giải quyết việc làm, góp phần trăng trưởng, tiêu dùng các sản phẩm trong nước. Lần này phải có chế tài mạnh như thế nào để giải quyết dứt điểm việc giải ngân cho được vốn đầu tư công. Quyết liệt, cụ thể, chế tài mạnh là gì chứ không phải như các hội nghị lần trước có đưa ra biện pháp nhưng thực thi còn yếu. Đây là khuyết điểm trong điều hành của hệ thống chúng ta. 

Thủ tướng cho rằng, vai trò của Bộ trưởng thế nào, vai trò của Chủ tịch UBND các địa phương, các cơ quan, chủ đầu tư phải làm rõ, phải kỷ luật thế nào, điều chuyển vốn ra sao. Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt hai bộ sử dụng nhiều vốn ngân sách là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có biện pháp mạnh mẽ, nhất là với dự án đường cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành...  

Hội nghị cũng sẽ bàn về vấn đề an sinh xã hội, đời sống việc làm của người dân nói chung và đời sống của các đối tượng chính sách, nhất là trong bối cảnh có tình trạng nghỉ việc, nghỉ không lương đang diễn ra trên toàn cầu và nước ta. Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu cuối cùng của tăng trưởng và phát triển là nâng cao đời sống của nhân dân, nên cần phải tính toán các biện pháp, gói hỗ trợ để đảm bảo an sinh xã hội; đảm bảo cho được mức lương tối thiểu cho công nhân lao động. Cùng với đó là ổn định vĩ mô, chống nâng giá trái phép. 

Một nội dung quan trọng khác, đó là đi liền với hậu Covid-19 đó là tình trạng thiếu việc, thất nghiệp có thể xảy ra, dẫn đến mất an ninh trật tự. Do đó, Bộ Công an phải có những biện pháp chủ động kiểm soát tình trạng này, đảm bảo cuộc sống an toàn cho nhân dân./.

Theo VOV
TIN LIÊN QUAN
Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định: