Cổ sinh vật học hiện đại đặt sự sống cổ xưa dưới quan điểm của nó, bằng việc nghiên cứu những sự thay đổi lâu dài về mặt vật lý của địa lý và khí hậu toàn cầu có ảnh hưởng như thế nào đến sự tiến hoá của sự sống, các hệ sinh thái có những phản ứng như thế nào đối với những sự thay đổi đó và những thay đổi đó đã ảnh hưởng như thế nào đối với môi trường của hành tinh chúng ta, cũng như những tác động qua lại đó đã ảnh hưởng như thế nào đến sự đa dạng sinh học ngày nay.
Với một phạm vi nghiên cứu rộng lớn như vậy cổ sinh vật học bao trùm rất nhiều ngành khoa học khác như: địa chất học, thực vật học, sinh vật học, động vật học và sinh thái học, là các lĩnh vực nghiên cứu việc hình thành sự sống và các mối quan hệ giữa các lĩnh vực đó với nhau.
Sự ra đời của bộ môn cổ sinh vật học chính thức từ đầu thế kỷ 19, được áp dụng trong nghiên cứu về nguồn gốc của sinh vật trên Trái Đất và ứng dụng nó một cách triệt để trong nghiên cứu địa chất - địa tầng học ở hầu hết các nước, nhất là các nước ở Châu Âu, Châu Mỹ. Cũng dựa trên cổ sinh vật học, các nhà địa chất học đã xây dựng nên thang địa niên tiêu biểu cho vỏ Trái Đất.
Người ta cũng thống kê được có khoảng 95% tổng số loài sinh vật trên Trái đất đã bị tuyệt chủng, ngày nay chỉ còn tồn tại dưới dạng hoá thạch. Hàng triệu mẫu sinh vật hoá đá thuộc nhiều nhóm động - thực vật khác nhau đã được sưu tập cho mục đích nghiên cứu về nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất, lưu giữ và trưng bày trong hàng nghìn bảo tàng của hàng trăm quốc gia trên thế giới. Hàng ngàn cuốn sách chuyên khảo về các nhóm cổ sinh vật học có mặt trên khắp các lục địa đã được công bố trong hơn hai thế kỷ qua.
Lợi ích kinh tế cơ bản mà cổ sinh vật học mang lại đó là dựa vào kết quả nghiên cứu cổ sinh vật học người ta có thể xác định được niên đại của các lớp đất đá bao quanh các hóa thạch đó hoặc các lớp đất đá ở phía trên hoặc dưới nó. Những thông tin đó rất quan trọng đối với ngành công nghiệp khai khoángđặc biệt là ngành công nghiệp dầu mỏ.
Công tác sưu tập mẫu cổ sinh ở Việt Nam được các nhà địa chất người Pháp tiến hành từ năm 1880. Bộ sưu tập mẫu cổ sinh này đã được chuyển về Paris cho các nhà cổ sinh nổi tiếng như Duvier, Zeiller và Dinier nghiên cứu. Công bố đầu tiên về cổ sinh “Nghiên cứu hoá thạch thực vật trong các lớp chứa than ở Bắc Bộ” được Zeiller (1882) mô tả đã góp phần đáng kể trong công tác phân loại về cổ thực vật kỷ Trias trên thế giới.
Tiếp theo, một loạt các nhà địa chất cổ sinh tài năng người Pháp như Bourret R., Colani M., Deprat J., Douville H., Jacob Ch., Fontaine H., Fromaget J., Hoffet J.H., Lantenois H., Mansuy H., Saurin E., Zeiller R., v.v.. được điều sang Đông Dương, làm công tác tìm kiếm, khai thác khoáng sản và nghiên cứu cổ sinh trong suốt giai đoạn 1900 - 1954. Hàng ngàn mẫu cổ sinh từ các mức địa tầng từ Cambri đến Đệ Tam được phát hiện và sưu tập, công bố trong hàng trăm ấn phẩm về cổ sinh, đóng góp đáng kể vào công tác phân loại học của bộ môn cổ sinh vật học.
Một phần các bộ sưu tập cổ sinh do người Pháp sưu tập được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia lịch sử tự nhiên Paris; Đại học Mỏ Paris (Pháp); một phần lưu giữ tại Bảo tàng Địa chất của Sở Địa chất Đông Dương, số 6 Phạm Ngũ Lão (Hà Nội).
Trước khi rút khỏi Miền Bắc Việt Nam năm 1954, người Pháp đã chuyển một phần bộ sưu tập mẫu cổ sinh ở Đông Dương vào Bảo tàng Địa chất, số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm (Sài Gòn).
Sau năm 1954, ở Miền Nam Việt Nam công tác nghiên cứu cổ sinh do Linh mục H.Fontaine chủ trì cùng với sự tham gia của một số nhà cổ sinh người Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên thiên nhiên của chính quyền Việt Nam cộng hoà.
Ở Miền Bắc Việt Nam công tác sưu tập mẫu cổ sinh chủ yếu do các đơn vị thuộc ngành Địa chất đảm nhiệm đi cùng công tác đo vẽ bản đồ địa chất và tìm kiếm khoáng sản. Đến nay có khoảng 6.000 loài cổ sinh vật; trên 2 triệu mẫu vật được phát hiện trong 500 phân vị thạch địa tầng; trên 1.500 bài báo và công trình chuyên khảo về cổ sinh vật học ở Việt Nam được công bố.