Cuộc thảo luận do LHQ bảo trợ này sẽ tạo tiền đề cho Hội nghị các bên tham gia Công ước LHQ về đa dạng sinh học lần thứ 15 (COP15) dự kiến tổ chức ở Côn Minh (Trung Quốc) vào tháng 5 tới. Thư ký điều hành của CBD Elizabeth Maruma Mrema nhận định đại dịch COVID-19 đã chứng minh đa dạng sinh học không chỉ quan trọng đối với con người, mà còn đối với việc gìn giữ Trái Đất. Đặc biệt, do sự mở rộng của người dân đến các khu vực nông thôn, việc phá hủy môi trường sống, như nạn phá rừng, ngày càng đáng báo động.
Một trong những trọng tâm của các cuộc thảo luận đang diễn ra tại Geneva là việc LHQ kêu gọi các quốc gia thực hiện cơ chế bảo tồn ít nhất 30% lãnh thổ của họ vào năm 2030. Các mục tiêu cũng có thể được đặt ra nhằm loại bỏ các khoản trợ cấp nông nghiệp, đánh bắt cá, khai thác gỗ có hại và sử dụng lại số tiền đó để mang lại lợi ích cho thiên nhiên.
Việc mở rộng các khu bảo tồn thiên nhiên để có thể bảo tồn tối thiểu 30% Trái Đất vào năm 2030 là đề xuất hàng đầu của các nhà đàm phán. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhất trí cho rằng đặt mục tiêu là phần việc dễ dàng, song tiến trình thực hiện sẽ không hiệu quả nếu không có kinh phí và sự giám sát chặt chẽ.
Ông Trevor Sandwith - Giám đốc Trung tâm Hành động để Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) nhấn mạnh: "Cả thế giới đều tin tưởng rằng bảo tồn thiên nhiên là việc làm cần thiết cho tương lai của hành tinh, ngay cả các doanh nghiệp và ngành công nghiệp lớn cũng vậy". Tuy nhiên, ông cũng cho rằng mục tiêu phần trăm được đưa ra là "dễ hướng tới, dễ đo lường", song đây mới chỉ là một phần của câu chuyện.
Năm 2010, các mục tiêu đa dạng sinh học toàn cầu đã được thống nhất, được gọi là Mục tiêu Aichi, yêu cầu hành động khẩn cấp, hiệu quả đến năm 2020 để ngăn chặn tổn thất đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái, bảo đảm cuộc sống phong phú của loài người. Tuy nhiên, Mục tiêu Aichi đã hết hạn vào năm 2020 mà hầu như không đạt được bất kỳ hiệu quả nào.
Để tránh đi vào vết xe đổ này, ông Sandwith cho rằng sự công bằng và tính hiệu quả sẽ chìa khóa trong công tác điều hành và quản lý các khu bảo tồn. Một trong những giải pháp là cần quan tâm đặc biệt tới cuộc sống của người dân bản địa - những người sẽ đóng vai trò quyết định trong việc đạt được mục tiêu 30% nêu trên.
Các chuyên gia xác định có nhiều nguyên nhân gây mất đa dạng sinh học, gồm: Thay đổi cách xử lý đất và biển, biến đổi khí hậu, các hoạt động như nông nghiệp không bền vững, ô nhiễm và sự xâm lấn của các loài ngoại lai trong môi trường sống mới. Ngoài ra, sản xuất và tiêu dùng không bền vững cũng là những yếu tố làm mất đa dạng sinh học.
Thực tế, những nỗ lực bảo vệ thế giới tự nhiên vẫn chưa đạt được nhiều thành tựu. Sự mất mát của các hệ sinh thái quan trọng đã tăng nhanh ngay cả khi các chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức môi trường đang tìm kiếm những cách hiệu quả để bảo vệ, khôi phục đất và biển của Trái Đất.
Theo một báo cáo của LHQ, một triệu loài động, thực vật có thể biến mất, trong khi sinh khối của các loài động vật có vú hoang dã đã giảm 82% và các hệ sinh thái tự nhiên bị mất khoảng 50% diện tích. Trong khi đó, báo cáo Bảo vệ hành tinh do Trung tâm Giám sát bảo tồn thế giới thuộc Chương trình Môi trường LHQ cho thấy thế giới đã đạt được mục tiêu bảo vệ 17% môi trường sống trên đất liền vào năm 2020. Tuy nhiên, báo cáo này cũng chỉ ra rằng thế giới đã bỏ lỡ mục tiêu bảo tồn 10% các khu vực biển và duyên hải, khi chỉ đạt mức hiệu quả là 7%./.